xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trải nghiệm cuối tuần trên xe buýt điện

HẢI PHONG - ANH VŨ

Xe buýt điện được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, tiện nghi, thân thiện với môi trường. Xe có sàn thấp, ô kính to tạo cảm giác như chạm được cả không gian bên ngoài

Nhiều lời khen của hành khách về tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP HCM khiến chúng tôi tò mò và quyết định "check-in" tuyến xe có mã số D4, do Vinbus đầu tư này.

Tiện lợi, dễ chịu

Trưa cuối tuần, ngày 28-5, chúng tôi chọn điểm đón xe ở đầu bến xe buýt Sài Gòn (Công viên 23 Tháng 9, quận 1) để đi hết hành trình đến trạm cuối là khu dân cư Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức).

Chỉ mất 5 phút, chúng tôi đã bước lên phương tiện có màu xanh lục đặc trưng và phát hiện nhiều người đi cùng cũng có chung sự hào hứng. Cứ mỗi khi khách bước lên xe, tiếp viên lịch sự đặt tay lên ngực, nói: "Vinbus xin chào!". Dù hơi ngỡ ngàng nhưng chúng tôi cũng kịp đáp lại bằng cái gật đầu thân thiện. Hai bạn sinh viên bước lên sau cũng bẽn lẽn chào lại tiếp viên.

Tiếp viên nhanh tay chỉ chúng tôi đi về phía những chiếc ghế trống, sau đó đến thu tiền và in vé bằng chiếc máy in nhỏ gọn cầm tay. Chiếc máy in nhỏ xíu này cũng phục vụ những hành khách không thanh toán tiền mặt mà sử dụng ví MoMo, VNPay…

Trải nghiệm cuối tuần trên xe buýt điện - Ảnh 1.

Xe buýt điện được kỳ vọng mang lại sự thay đổi cho giao thông công cộng ở TP HCM. Ảnh: ANH VŨ

Trên xe được trang bị đầy đủ hệ thống camera, màn hình LED để truyền tín hiệu thông tin, thông báo trạm dừng. Tiếp viên luôn nhắc nhở hành khách "lên bằng cửa trước, xuống bằng cửa sau" - một lưu ý "hơi thừa" mà khá dễ thương.

Tiết trời tháng 5 tại TP HCM quá đỏng đảnh khi thường mưa dai dẳng lúc chiều tối nhưng lại oi bức vào buổi trưa. Tuy vậy, khi ngồi trên xe buýt điện thì cảm giác khó chịu ấy tan biến. Máy lạnh điều chỉnh nhiệt độ dịu mát, xe chạy êm ái, nhẹ nhàng lướt qua những con phố đông đúc. Khi đi ngang trung tâm thành phố, từ ô cửa kính, chúng tôi ngắm nhìn đường phố thật rõ. Từng hàng cây, công trình, con đường trước giờ vẫn vậy nhưng hôm nay trông tươi mới hơn khi có dịp thong thả ngắm kỹ.

Ngồi trước chúng tôi, sinh viên T.V.K liên tục dùng điện thoại chụp hình và quay lại những cảnh vật lướt qua. Khi được hỏi, bạn trẻ này kể ít tháng trước, khi biết tuyến D4 hoạt động thì rất háo hức vì là cung đường lý tưởng cho việc di chuyển đi học, thăm người thân, đi làm thêm. K. cho biết thường xuyên đi xe buýt điện và lần nào cũng thú vị như lần đầu.

"Dứt khoát lần sau khi mẹ lên chơi, em sẽ dẫn mẹ đi cho biết để về kể với bà con láng giềng" - K. hào hứng.

Mong chờ nhân rộng

Được nhà nước trợ giá nên giá vé tuyến xe buýt D4 chỉ 7.000 đồng/lượt/hành khách; với học sinh, sinh viên là 3.000 đồng, tương đương các tuyến xe buýt thông thường. Ngoài sự dễ chịu về chi phí, các tiện nghi phục vụ, phương tiện này còn "ghi điểm" với hành khách khi có khả năng tiếp cận người khuyết tật nhờ có dốc hỗ trợ xe lăn.

Hành trình tuyến dài 29 km, tài xế chạy với tốc độ vừa phải nên mỗi chuyến mất khoảng 1 giờ 30 phút. Cảm nhận của đa số người là khi lên xe buýt điện thì không còn lo chuyện ngập nước, không phải cau mày bực dọc vì bất ngờ bị một cú "tạt đầu" như mỗi lần chạy xe máy. Ngoài ra, họ còn thỏa sức thưởng thức khung cảnh phố xá với cảm giác cuộc sống như chậm lại.

Chúng tôi mang những điều trên chia sẻ với ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, và nhận được đồng tình về những ưu điểm mà xe buýt điện mang lại. Ông Tính cho rằng phát triển giao thông điện là xu hướng tất yếu của thế giới khi con người phải đối mặt với những hệ lụy do biến đổi khí hậu mang lại.

"Sử dụng động cơ điện sẽ giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường" - ông Tính khẳng định. Nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ cho rằng chi phí đầu tư xe buýt điện gấp 2-3 lần xe buýt chạy bằng dầu diesel, do đó để kêu gọi các nhà đầu tư, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và phải quy hoạch trước một bước hệ thống trạm sạc…

Nằm trong các nỗ lực tối ưu hóa hoạt động vận tải hành khách công cộng tại TP HCM, mới đây, ngày 12-5, Sở GTVT đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) chủ trì hội thảo tham vấn "Kế hoạch phát triển GTVT bằng phương tiện giao thông điện tại thành phố". Hội thảo đưa ra thực trạng, thách thức và góp ý cho kế hoạch hành động, phát triển phương tiện giao thông điện tại TP HCM trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước chung nhận định TP HCM là một trong những đô thị lớn của thế giới có lượng phát thải khí nhà kính cao, nguyên nhân chính là do khí thải từ phương tiện giao thông. Do đó, việc chuyển đổi nhiên liệu dùng cho phương tiện là cần thiết và cần nhanh chóng thực hiện ngay từ bây giờ. Trong đó, điện hóa phương tiện công cộng như xe buýt được các chuyên gia cho rằng có thể thực hiện trước vì xe buýt đang vận hành trên hệ thống hạ tầng được nhà nước đầu tư, có cơ sở pháp lý rõ ràng. Doanh nghiệp có thể vay mua xe buýt qua chương trình tín dụng xanh, nhà nước hỗ trợ lãi vay 100% cho xã viên, thời gian trả trong vòng 8 năm.

Đây cũng là điều mà nhiều người dân chờ đợi. Theo ông Vũ Xuân An (ngụ quận 1), trước nay ông đi làm bằng xe máy và cảm thấy rất phiền phức, bất tiện mỗi lần lạc vào một "rừng" xe bị kẹt với khói bụi và tiếng ồn bủa vây. Ông An nhận xét phương tiện công cộng chính là giải pháp cho một đô thị văn minh, hiện đại. "Càng tuyệt vời hơn nếu đó là những phương tiện giao thông xanh, chạy bằng năng lượng thân thiện với môi trường" - ông bày tỏ.

Phấn đấu 15%-20% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết tuyến xe buýt điện D4 nằm trong tổng thể 152 tuyến xe buýt của thành phố.

Theo Giám đốc Sở GTVT TP HCM, để phát triển tốt hệ thống giao thông công cộng, cần phải phát triển nhiều loại hình, nhiều phương thức, góp phần tạo hình ảnh giao thông công cộng văn minh, hiện đại. Trong đó, loại hình xe buýt điện được xem là mũi nhọn, đáp ứng được những kỳ vọng trên, cũng như góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, bảo vệ môi trường. "TP HCM phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có 15% - 20% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch" - ông Trần Quang Lâm thông tin.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo