Năm 2009, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tiền Thảo (gọi tắt là Công ty Tiền Thảo, trụ sở tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) được cấp phép xây dựng chợ tổng hợp Đại Hà (ở xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) với diện tích hơn 15.000 m2.
Theo phê duyệt, chợ Đại Hà là chợ loại 2 với 198 điểm bán hàng cố định. Để thực hiện dự án này, gần 100 hộ dân đã mất đất nông nghiệp với mức đền bù chưa đến 3 tỉ đồng cho hơn 15.000 m2.
Theo quy định, doanh nghiệp (DN) ở địa phương khác, ít nhất phải có chi nhánh tại Hải Phòng, mới được triển khai dự án. Tuy nhiên, Công ty Tiền Thảo lại không cần lập chi nhánh vẫn được cấp, phê duyệt dự án.
Hiện nay, tại khu vực xây chợ Đại Hà, ngoài một số ki-ốt bán hàng còn xuất hiện khá nhiều công trình không liên quan gì đến quy hoạch chợ như nhà nghỉ, cơ sở sản xuất…
Anh N.V.H (ngụ xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy) đã mua 2 lô đất trong chợ Đại Hà để xây dựng nhà kết hợp kinh doanh. "Biết là đất chợ, không thể hợp thức hóa sổ đỏ như đất thổ cư nhưng họ đưa ra giá chỉ bằng 50% giá đất thổ cư nên tội gì không mua. Về danh nghĩa là các hộ dân làm hợp đồng góp vốn với ban quản lý chợ nhưng thực chất là chúng tôi mua đất" - anh H. nói.
Anh H. khẳng định đây là chiêu "lách luật" của chủ đầu tư, người mua vẫn được xây nhà, vẫn ở bình thường nhưng trên danh nghĩa là đất của chợ.
Chợ Đại Hà bị biến tướng thành nhà dân, nhà nghỉ trong chợ
Theo đại diện UBND huyện Kiến Thụy, năm 2012, khi chưa có quyết định cho thuê đất của UBND TP Hải Phòng, công ty đã tự ý san lấp 13.000 m2 đất để xây dựng chợ. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt 30 triệu đồng đối với hành vi này. Đến năm 2016, UBND huyện Kiến Thụy ra quyết định phạt Công ty Tiền Thảo 125 triệu đồng đối với hành vi xây dựng không phép, sai phép tại chợ Đại Hà. Trong quá trình thực hiện dự án, công ty mua thêm 2.661 m2 đất nông nghiệp của dân, sau đó san lấp, gộp vào diện tích của chợ. Năm 2017, công ty bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phạt 20 triệu đồng. Với nhiều động thái "thu gom" đất nông nghiệp gộp vào chợ nên tới nay, chợ Đại Hà đã mở rộng diện tích tới hơn 17.000 m2.
Thanh tra của UBND TP Hải Phòng xác định vốn đầu tư của dự án là 14,6 tỉ đồng, trong khi vốn tự có của DN chỉ có 6,2 tỉ đồng. Công ty đã huy động vốn bằng cách kêu gọi đầu tư bằng các "hợp đồng góp vốn xây dựng", chỉ cần bỏ ra một số tiền khoảng vài trăm triệu đồng nộp cho công ty sẽ được sở hữu một mảnh đất trong chợ, hộ dân đó sẽ tự xây dựng. Ngoài ra, công ty còn tự ý thực hiện việc xây dựng, không có khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng theo quy định; xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng...
Từ năm 2013, UBND TP Hải Phòng đã ra quyết định cho Công ty Tiền Thảo thuê 13.800 m2 đất làm chợ Đại Hà. Tuy nhiên, từ khi DN được thuê đất đến năm 2018, ngân sách TP Hải Phòng không nhận được đồng nào. Cơ quan thuế chỉ thu thuế hằng tháng được 2 hộ tại chợ Đại Hà vì đa số các hộ kinh doanh này có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty Tiền Thảo, tại chợ Đại Hà có khoảng 150 hộ kinh doanh. Mỗi tháng, công ty thu từ 23-27 triệu đồng. Số tiền này công ty đã chi trả cho công tác bảo vệ, vệ sinh, lương nhân viên. Như vậy, Công ty Tiền Thảo không kê khai doanh thu hoạt động, không khai báo thuế kinh doanh chợ Đại Hà cho cơ quan thuế.
Không biết, sẽ cho kiểm tra!
Trước hàng loạt sai phạm trong dự án này, UBND TP Hải Phòng lại hướng dẫn cho DN thực hiện quy trình hoàn thiện hồ sơ để mở rộng quy mô dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kiến Thụy thừa nhận "dự án chợ tổng hợp Đại Hà có nhiều sai phạm, từng bị UBND huyện, TP xử lý. Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với UBND xã Đại Hà tiến hành kiểm tra nhằm sớm phát hiện những sai phạm trong việc thực hiện dự án xây dựng tại chợ Đại Hà".
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc chủ đầu tư tự ý xây dựng hơn chục nhà nghỉ ngay ở bên cạnh nhưng không bị xử lý thì vị lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng lại thừa nhận không hề hay biết và sẽ cho kiểm tra lại.
Bình luận (0)