Sau khoảng 4 tháng ngưng xảy ra tình trạng phát tán mùi hôi và tro bụi, những ngày gần đây, người dân ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lại tiếp tục hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ Nhà máy Giấy Lee & Man.
Chịu không xiết!
Do chịu không nổi mùi hôi, trên 50 hộ dân nơi đây đã làm đơn cầu cứu các ngành chức năng, trong đó có hàng chục hộ đề nghị được di dời nhà đi nơi khác sinh sống chứ không thể tiếp tục chịu tình trạng gây ô nhiễm từ nhà máy giấy này.
Người của Nhà máy Giấy Lee & Man so sánh nước thải sau khi lắng với nước suối Ảnh: CÔNG TUẤN
Bà Lư Ngọc Ánh, một hộ dân ở ấp Phú Xuân, cho biết tuần trước, từ phía nhà máy giấy bốc lên mùi hôi có lúc như mùi… ống cống, có lúc chua chua khiến không ai chịu nổi. Gia đình bà và những hộ dân gần đó cấp tốc gọi cho chính quyền thị trấn Mái Dầm và nhà máy để phản ánh. Sau đó vài ngày, các ngành chức năng và phía nhà máy khảo sát và thừa nhận có mùi hôi.
Ở cạnh nhà bà Ánh, ông Nguyễn Ngọc Thu (62 tuổi) tỏ ra bức xúc khi nhà máy giấy tiếp tục gây ô nhiễm. Ông Thu cho biết người dân ở đây không thể chịu đựng được nữa. "Không những gây hôi thối, nguồn nước ở sông cạnh nhà máy cũng có vấn đề. Từ khi có nhà máy đến nay, tôi thường xuyên phải đi trị bệnh ngoài da vì sử dụng nước sông để tắm, giặt" - ông Thu chỉ vào cánh tay sần sùi, nói.
Bà Nguyễn Thị Của (cũng ngụ ấp Phú Xuân) đặt vấn đề: "Hai tuần trước, phía nhà máy 6 lần phát thông báo cho bà con đừng bơm nước sông lên sử dụng. Nếu không sử dụng nước sông thì chúng tôi biết lấy nước gì để tắm, giặt?".
Cũng theo bà Của, do không chịu nổi mùi hôi và tiếng ồn phát ra từ nhà máy, gia đình phải cấp tốc xây phòng nhỏ phía sau nhà để mẹ chồng bà (hơn 80 tuổi) lánh nạn. "Mẹ chồng tôi nhiều lần ngất, phải chở đi bệnh viện do không chịu nổi mùi ô nhiễm" - bà Của cho biết.
Một người dân ngụ gần nhà bà Của cho rằng nhà máy giấy khôn lắm, không bao giờ phát ra mùi hôi trong giờ hành chính, mà chỉ đêm khuya mới hôi thối nồng nặc.
Không thừa nhận có lỗi
Trưa 13-9, ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, cho biết dự kiến đến cuối tháng 9, nhà máy sẽ hoàn tất quá trình chạy thử nghiệm. Trong khoảng 6 tháng chạy thử nghiệm vừa qua, có hơn 43 đoàn kiểm tra, khảo sát khác nhau đến làm việc và đều nhận được đánh giá tốt.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập việc người dân bức xúc trước mùi hôi thối phát ra từ nhà máy trong những ngày gần đây, ông Patrick Chung thừa nhận là có nhưng đổ lỗi do thời tiết. Theo đó, trong lúc đang sử dụng sợi giấy tái chế dài để sản xuất giấy và bao bì chất lượng cao, nhà máy để những đống sợi giấy tái chế ngắn, chất lượng thấp phía ngoài. Vào tuần trước, mưa liên tục, khi gặp nắng gay gắt thì mùi ở bên trong đống sợi giấy ngắn tích tụ, đến lúc lấy ra sản xuất thì phát tán.
"Chúng tôi chuyển toàn bộ số sợi giấy ngắn đi nơi khác, không sử dụng nhằm bảo đảm không để xảy ra mùi hôi nữa. Việc để phát ra mùi hôi không phải là lỗi của chúng tôi, mà vì thời tiết. Thật ra, đấy không phải là chuyện lớn vì tất cả nhà máy giấy đều phát mùi. Cái mùi đấy thậm chí là không gây hại" - ông Patrick Chung biện minh.
Cũng theo vị tổng giám đốc này, do người dân lo lắng thái quá chứ vợ chồng ông và nhiều nhân viên của nhà máy đang sống trong ký túc xá cạnh nhà máy nhưng thấy vẫn… bình thường.
Cùng ngày, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh đã đến làm việc với Nhà máy Giấy Lee & Man và tiếp xúc với những hộ dân xung quanh. Sau khi nghe đại diện nhà máy cho biết đã khẩn trương khắc phục những vấn đề mà người dân phản ánh trong thời gian qua như mùi hôi, bụi, tiếng ồn..., ông Chánh yêu cầu trong thời gian tới, nhà máy phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý các sự cố liên quan đến môi trường để không tái diễn ô nhiễm gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Liên quan đến việc này, cuối tháng 2, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã cấp phép xả thải ra sông Hậu cho Nhà máy Giấy Lee & Man. Ông Patrick Chung cũng khẳng định đã hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu của việc xả thải mà Bộ TN-MT nêu trong giấy phép xả thải.
Ngoài ra, người của nhà máy này còn dẫn chứng cho chúng tôi thấy nước thải trong quá trình sản xuất sau khi đưa vào bể lắng 3 ngày để theo dõi rồi mới xả thải ra sông Hậu thì độ trong tương đương nước trong chai nước suối. Từ nguồn nước lắng này, phía nhà máy đã xây dựng một hồ nhỏ để nuôi cá kiểng chứng minh là nguồn nước không bị ô nhiễm.
Thế nhưng, các nhà khoa học lại tỏ ra lo ngại. PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho rằng về nguyên tắc, nếu nước thải sau khi xử lý có nồng độ thấp hơn mức cho phép thì được thải ra môi trường. Tuy nhiên, việc tích lũy các độc chất về lâu dài sẽ có những ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và sức khỏe. Điều cần đặt ra là nếu nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn loại A thì tại sao nhà máy không tái sử dụng mà thải ra sông rồi hút nước sông vào sử dụng cho nhà máy (nước sông có chất lượng thấp hơn loại A).
Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, Lee & Man nói rằng trước khi chảy ra sông, một phần nước đã xử lý sẽ chảy vào một hồ nuôi cá. Cá trong hồ có thể không chết vì chất độc chưa đạt ngưỡng nhưng trong tự nhiên cá lớn ăn cá bé có thể tích lũy độc chất. Ngoài ra, chất độc xả vào nguồn nước, đi vào cơ thể cá thì sẽ tích lũy vào hệ sinh thái theo chuỗi từ nước đến động thực vật phù du, cá bé hơn, cá bé, cá lớn, cá lớn hơn, cá lớn hơn nữa đến con người. Con người sẽ là chuỗi mắt xích cuối cùng trong hệ sinh thái và gánh tất cả độc chất tích lũy.
"Con người bị nhiễm độc từ hệ sinh thái có thể không chết ngay vì cần thời gian nhưng ảnh hưởng sức khỏe và tăng chi phí y tế, giảm tuổi thọ, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng chung đối với nền kinh tế. Ngoài ra, còn phải làm rõ bao lâu thay cá một lần và cá trong hồ sinh thái là loài gì bởi sức chịu đựng của từng loài cá khác nhau, không thể khái quát được cho tất cả các loài cá và để cá chết thì cần phải tiếp xúc với nồng độ đủ mạnh và thời gian tiếp xúc đủ dài" - ThS Nguyễn Hữu Thiện lưu ý.
Phải làm đúng nguyên tắc
Liên quan đến việc Bộ TN-MT cấp phép xả thải cho dự án Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng việc cấp phép cần phải làm đúng nguyên tắc. Nếu dự án do Chính phủ cấp phép thực hiện thì Bộ TN-MT cấp phép xả thải, nếu dự án do địa phương cấp phép thực hiện thì địa phương này lo thủ tục xả thải. Với Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, việc Bộ TN-MT cấp phép xả thải là hợp lý.
"Nhưng dù trong trường hợp nào, các dự án cấp phép đều phải bảo đảm môi trường sạch, không có chuyện ô nhiễm như thế mà cấp phép. Nước thải có xả ra cũng phải xử lý rồi, bảo đảm đủ tiêu chuẩn. Có thể phải đặt vấn đề giữa cơ quan cấp phép và doanh nghiệp (DN) có sự móc ngoặc nhau thông qua các thủ tục cần thiết, làm báo cáo đánh giá tác động môi trường cho có. Cứ nhìn vào đánh giá tác động môi trường có làm đầy đủ không, DN có thực hiện các nội dung về môi trường đầy đủ không là biết ngay cơ quan cấp phép có "đi đêm" với DN hay không" - ông Hòe nêu.
Ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, cho biết công nghệ sản xuất giấy của Lee & Man là cho nước vào bột giấy rồi dùng thủy lực đánh tan, không phải dùng hóa chất. Như thế, chất thải chính là chất thải cứng từ bao bì. Nguồn nước thải trong trường hợp này thực ra xử lý khá đơn giản và nếu nhà máy xử lý tốt thì sẽ không ảnh hưởng môi trường. Mặc dù xả thải không hề có hóa chất bị đưa ra môi trường nhưng việc xử lý cần hết sức cẩn thận, trong đó quan trọng nhất là xử lý chất thải cứng và mùi trong sản xuất. Việc này DN phải chịu trách nhiệm, cùng đó phải có sự giám sát của địa phương, bộ, ngành liên quan.
PH.NHUNG
Bình luận (0)