Dưới sự chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, hàng chục chuyến xe cấp cứu đã vượt đèo Hải Vân chở các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên - Huế. Từ ngày 29-7, Trung tâm Cách ly và Điều trị bệnh nhân Covid-19 (gọi tắt là trung tâm) thuộc cơ sở 2 Bệnh viện (BV) Trung ương Huế ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt đầu tiếp nhận các ca bệnh này.
Ám ảnh ca Covid-19 đầu tiên tử vong
Đang đi đám giỗ, điều dưỡng Mai Bá Thu, Khoa Hồi sức tích cực BV Trung ương Huế, nhận được lệnh ra trực chiến ở trung tâm. Sáng hôm sau, khi vợ con còn say giấc, anh nhẹ nhàng xách ba lô rời nhà.
Vừa đặt chân đến trung tâm, anh thấy các đồng nghiệp bàn giao ca trực ai cũng bần thần, mắt đỏ hoe, dáng vẻ uể oải, căng thẳng. Tối trước đó (30-7) là đêm trực lịch sử trong nghề mà đồng nghiệp anh gặp phải. Họ tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng từ Đà Nẵng. Phần lớn mắc các bệnh nền nặng, hôn mê sâu, thở máy, dùng thuốc trợ tim liều cao, vài lần ngưng tim. Một ca vừa tới trung tâm, các y - bác sĩ (BS) đã phải liên tục cấp cứu ngừng tuần hoàn hơn 1 giờ ngay trên băng ca xe. Nhưng rồi cũng thất bại, các BS đành buông tay nhìn bệnh nhân qua đời. Đó cũng là ca tử vong đầu tiên mắc Covid-19 ở nước ta.
Các điều dưỡng tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
"Anh em trong kíp trực hôm ấy luôn căng thẳng, lo lắng và chịu nhiều áp lực. Trong giấc ngủ, một đồng nghiệp trẻ đã ám ảnh về sự đau khổ của người thân khi nghe thông báo bệnh nhân qua đời" - anh Thu chia sẻ.
Ngày thứ 2 trong ca trực, 3 máy lọc máu cùng hoạt động trong phòng bệnh. Một đồng nghiệp la thất thanh: "Bệnh nhân ngừng tim mọi người ơi!". Cả ê-kíp trực nhanh chóng tập trung cấp cứu cho bệnh nhân. Hôm đó, anh Thu nhớ có bệnh nhân ngưng tim đến 3 lần nhưng được ê-kíp trực kịp thời cứu chữa.
Tại trung tâm này, mỗi ngày đội ngũ y tế được bố trí 3 ca với 4 kíp trực, gồm 6 điều dưỡng cùng 3 BS. Hơn 20 bệnh nhân nặng điều trị nên 6 máy thở, 4 máy lọc máu, 3 máy ECMO (tim, phổi nhân tạo) hoạt động liên tục. Nhiều kỹ thuật cao, lần đầu ứng dụng tại Việt Nam được thực hiện ở trung tâm. Hơn 15 năm trong nghề điều dưỡng, anh Thu chưa bao giờ gặp nhiều bệnh nhân nặng đến vậy. Tan ca trực, các nhân viên y tế ướt đẫm mồ hôi, đôi bàn tay co rúm, nhăn nheo, nứt từng thớ vì mang nhiều lớp găng... Có người ngất xỉu vì mệt, phải nhờ đồng nghiệp sơ cứu. Họ nhìn những tô cháo, phần cơm soạn sẵn nguội dần bởi cổ họng khô rát, đành uống tạm ly sữa cho qua bữa.
"Ai cũng kiệt sức, bệnh nhân quá nặng, nhiều máy móc hỗ trợ kêu liên tục. Có những đêm khuya đứng một mình bên bệnh nhân nặng để điều chỉnh máy móc, thay thuốc mà lạnh cả người" - anh Thu kể.
Không đơn độc
Tại Hà Nội, 9 giờ ngày 3-8, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, nhận điện thoại của Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ ngành y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế. Không một giây chần chừ, ông đồng ý ngay bởi khi nghe tin dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng với mức độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn nhiều so với hồi mùa xuân, ông và các đồng nghiệp đã chuẩn bị sẵn tinh thần chiến đấu.
BV Đại học Y Hà Nội nhanh chóng ra thông báo kêu gọi tinh thần tình nguyện. Không ngoài dự kiến, số người xung phong vào tâm dịch vượt số lượng yêu cầu. Dự định đặt vé máy bay từ Hà Nội đi Huế vào 11 giờ ngày 4-8, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu dặn dò anh em nghỉ sớm lấy sức lên đường và chính ông cũng có thêm một đêm nữa ở với mẹ đang nhập viện. Thế nhưng, cả hai hãng hàng không đều không có chuyến bay đến vùng dịch.
16 giờ 30 phút, ông quyết định họp đoàn. Vừa trình bày khó khăn, ông đã nhận được sự đồng thuận nhanh chóng. Hai lãnh đạo Khoa Hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh và 3 BS, 2 điều dưỡng trẻ đã sẵn sàng lên đường bằng ôtô ngay trong đêm. Với tốc độ của xe cứu thương, sau 8 giờ di chuyển, đoàn đã ăn được tô bún bò ngay trước cửa BV Trung ương Huế cơ sở 2 để chuẩn bị vào cuộc.
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, dù đã chuẩn bị tinh thần sẽ muôn vàn khó khăn nhưng sau khi thay bộ quần áo phòng hộ giữa tiết trời nóng bức cuối tháng 8 ở Huế, họ mới nhận thấy trận chiến này thực quá cam go. "Có tới 6/23 bệnh nhân thận nhân tạo đang cận kề cái chết, diễn biến thay đổi từng phút. Anh em đồng nghiệp đã chiến đấu không nghỉ suốt mấy ngày qua nhưng các diễn tiến tiếp theo thật sự bất thường, ngoài dự đoán. Lao vào việc, nếm trải cảm giác căng thẳng, lo lắng, hồi hộp đợi từng xét nghiệm, phim chụp X-quang, tim phổi, đội ngũ được củng cố, chiến lược được thống nhất, tinh thần được nâng lên và những kết quả ban đầu đã thay đổi. Nụ cười đã nở trên môi chúng tôi" - ông chia sẻ.
Dù là cuộc chiến chưa biết khi nào đến hồi kết nhưng theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, cảm nhận đặc biệt nhất với ông là các nhân viên y tế trẻ không hề lo lắng bị nhiễm bệnh. Họ chỉ lo chẳng may dương tính lại bị loại khỏi cuộc chiến. Họ vẫn pha trò những lúc được cởi bộ đồ phòng hộ, đòi "hết dịch thầy phải dẫn con đi ăn chè hẻm, thuyền sông Hương"...
Trong cuộc chiến chống Covid-19, có những quyết định chuyên môn mà PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu nghĩ sẽ chẳng bao giờ lặp lại. Ví dụ như một bệnh nhân thoát ECMO nhưng di chứng để lại là huyết khối toàn bộ tĩnh mạch chân sắp lan lên bụng. Không thể di chuyển người này lên phòng mổ vì khoảng cách và cả quy trình khử khuẩn hết sức phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động của cả viện nhưng nếu không làm gì thì nguy cơ tắc mạch phổi gây đột tử là rất cao. Cuối cùng, ông quyết định đặt lưới lọc ngay tại giường bệnh dưới hướng dẫn của siêu âm. Thủ thuật diễn ra chưa đầy 30 phút với kết quả hoàn toàn ưng ý. Đấy là những điều thuận lợi, còn cái khó nhất khi đại dịch ập xuống chính là sự hợp tác giữa nhiều bộ phận khác nhau có khi còn chưa gặp nhau bao giờ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-8
Kỳ tới: Đội đặc nhiệm Chợ Rẫy
Bình luận (0)