Nằm giữa dòng sông Trà Khúc ở tỉnh Quảng Ngãi, làng Ân Phú (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) được bao bọc bởi những rặng tre. Người dân sống ở đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, nhiều người thọ đến 100 tuổi.
Tách biệt với chốn phồn hoa
Về làng Ân Phú trong những ngày nắng hè, chúng tôi cảm nhận được không khí mát mẻ, khung cảnh bình yên của vùng quê này. Tuy chỉ cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 1,5 km nhưng làng Ân Phú nằm tách biệt hoàn toàn với chốn phồn hoa đô thị vì được ngăn cách bởi dòng sông Trà Khúc.
Những hàng tre rợp bóng mát ở Ân Phú chạy dọc theo cung đường ngoằn ngoèo. Những khu vườn, cánh đồng xanh mởn, các loài hoa tràn ngập sắc màu. Người dân ở đây ai cũng thật thà, chất phác. Nhiều cụ già đã ở tuổi trên 90 vẫn ra đồng cày cấy mỗi ngày.
Tôi gặp ông Sáu Thanh (tên thật Nguyễn Văn Thanh) - một trong rất nhiều bậc cao niên ở làng Ân Phú, khi ông đang vác cuốc trên vai bước đi thoăn thoắt. Nghe tôi hỏi thăm, ông Sáu Thanh dừng lại tiếp chuyện và cho biết đang trên đường đi dun (lên hàng) bắp (ngô) về.
"Ông năm nay 85 tuổi, cũng đã yếu rồi. Hồi còn trẻ, một mình ông dun cả sào bắp trong một buổi đã xong. Giờ mỗi ngày một yếu đi, ông dun chỉ mấy hàng bắp đã thấy mệt rồi" - ông Sáu Thanh giọng chân chất.
Theo lời ông Sáu Thanh, ở làng Ân Phú, nhiều người cao tuổi như ông vẫn vác cuốc ra đồng. Có người còn đốn tre, chẻ cả thiên cháy đậu (dùng làm giàn cho đậu cô ve) như các ông Ba Ngân, Ba Lại, Ba Hung…
"Ở đây chủ yếu sống nhờ nghề làm nông. Mà không làm thì đến lúc thả cây cuốc ra là về với ông bà, tổ tiên. Cũng chính nhờ làm nhiều mà những người lớn tuổi như ông mới bớt đau ốm, tuổi thọ cao. Hồi xưa, ở đây có nhiều người sống ngoài 100 tuổi, còn sống đến tuổi như ông thì rất nhiều. Hiện giờ, vẫn có một số người lớn hơn ông như bà Phảy, bà Dương đã gần 100 tuổi mà còn minh mẫn, không cần con cái chăm nom" - ông Sáu Thanh kể.
Những hàng tre rợp bóng mát ở làng Ân Phú
Theo các bậc cao niên ở Ân Phú, phần lớn người ở làng này sống rất thọ. Hiện nay, làng có rất nhiều cụ đã 90 tuổi, dù người dân ở đây lao động tay chân nhiều. Có lẽ nhờ họ ăn uống với nhiều rau quả sạch bằng nguồn tự trồng, cộng với nguồn nước nằm ẩn mình dưới lớp cát dày của dòng sông Trà Khúc rất trong lành, không bị ô nhiễm.
"Vì làm nông, kết hợp với sông nước nên người dân ở đây gắn liền với cây tre. Họ phải trồng tre rất nhiều để vừa giữ đất, giữ làng vừa có cây để làm giàn mướp, giàn bầu, chẻ tre để trồng đậu, đánh bắt cá… Có người trồng bụi tre, đến khi tre già chết trước mà họ vẫn sống khỏe" - ông Phạm Bồng (73 tuổi), một người dân ở làng Ân Phú, cho hay.
Người dân Ân Phú cũng không ai biết chính xác làng này hình thành từ bao giờ, ai là người đầu tiên mở cõi, khai phá…, chỉ biết là làng tồn tại đã hơn 200 năm. Trong làng có những đình cổ, chùa được xây dựng cách nay trên 100 năm.
Hằng năm, mỗi dịp lễ, Tết, người dân tứ xứ lại tập trung rất đông về làng Ân Phú làm lễ cúng tiền hiền, cầu nguyện bình an. Cũng chính vì vậy, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, dân đều biết tên nhau. Người lạ ở đâu tới chỉ cần nói tên nhà cần tìm là dân làng ai cũng biết rõ gia đình ấy có bao nhiêu người.
Trung bình mỗi năm, người dân làng Ân Phú phải đi lại bằng đò 4-5 tháng
Mong ước sắp thành hiện thực
Tuy làng Ân Phú được "trời cho" khí hậu mát mẻ, người dân sống rất thọ nhưng vì nằm giữa dòng sông lại chỉ có tuyến đi độc đạo nên vào những tháng mùa mưa là rơi vào cảnh phải lụy đò thường xuyên.
"Cứ mưa nặng hạt là nước từ thượng nguồn sông đổ về, đường qua làng lại bị ngập gây chia cắt. Người dân muốn qua lại phải đi đò chứ không còn cách nào khác. Trung bình một năm, người dân ở đây phải đi lại bằng đò 4-5 tháng nên cuộc sống khá vất vả. Đặc biệt, việc đi lại, học hành của các cháu học sinh rất khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm lúc qua đò" - ông Bùi Tỏi, nguyên trưởng thôn Ân Phú, băn khoăn.
Theo ông Tỏi, chính vì thường xuyên bị cô lập nên hoa màu do người làng Ân Phú làm ra bán giá rất thấp, chỉ bằng một nửa so với ở chợ vì đi lại khó khăn. Làng Ân Phú vốn có khoảng 350 hộ với gần 2.000 nhân khẩu. Vì đi lại khó khăn vào mùa mưa nên chỉ khoảng một nửa số nhân khẩu vẫn bám trụ ở "ốc đảo" này, chủ yếu là người già và học sinh; còn những người trẻ hầu hết đi phương xa lập nghiệp, xây dựng gia đình.
"Mong ước lớn nhất của người dân bao đời ở đây là có cây cầu bắc từ bờ sông qua làng. Tuy giờ chưa có cầu nhưng đã có dự án đập dâng kết hợp giao thông đang thi công nên bà con cũng mong ngóng từng ngày công trình hoàn thành. Có lẽ mong ước bao đời của bà con cũng sắp thành hiện thực" - ông Tỏi phấn khởi.
Vì sống ở giữa dòng sông nên nỗi lo lớn nhất của dân làng Ân Phú là những trận lũ lụt bất chợt từ thượng nguồn ập về vào bất kể mùa nào trong năm. Theo người dân Ân Phú, trung bình mỗi năm, họ phải chịu ít nhất 5-6 trận lũ. Có khi lũ lớn liên tục xuất hiện như hồi năm 1999, 2013.
Thường xuyên sống với lũ lụt, đối mặt với gió bão nên người dân ở đây cũng tìm cách thích ứng với thiên nhiên. Gia đình nào ở làng Ân Phú cũng có nền nhà, sân cao hơn mặt đường 1-2 m. Chung quanh nhà luôn trồng tre để chắn gió bão. Nhà nào cũng có bộ phản bằng gỗ, đề phòng gặp bão mạnh thì có thể chui xuống trú tránh.
Tuyến độc đạo qua làng Ân Phú thường xuyên bị nước lũ chia cắt
Ông Trần Hòa - 72 tuổi, người làng Ân Phú - cho hay ông sinh ra và lớn lên ở đây nhưng ít năm nào nhà bị ngập. Nếu lũ vượt báo động 3 nửa mét thì cùng lắm nước cũng chỉ vào sân, chưa lên tới nền nhà.
"Chỉ có 2 năm nước lũ vượt khỏi sân vào nhà tôi là trận lũ năm Giáp Thìn (1964) và năm 2013. Lũ lớn quá cũng rất lo nhưng năm nào không có lũ thì năm đó hoa màu thất bát, chẳng ra gì. Vì có lũ mới mang theo phù sa về cho đất canh tác; các loại côn trùng, sâu bọ hại hoa màu cũng chết bớt" - ông Hòa giải thích.
Theo ông Võ Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Tịnh An, nhiều năm qua, người dân làng Ân Phú thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa lũ nên việc đi lại rất khó khăn. Trước đây, cứ sau mỗi đợt lũ, người dân tự huy động cả làng ra làm đường. Người gánh đất, người chở đá ra đắp những đoạn đường bị lũ cuốn trôi.
Mấy năm qua, địa phương đã nhiều lần trích kinh phí hàng trăm triệu đồng để sửa chữa đường giúp bà con. Nhưng vì tuyến độc đạo này nằm giữa dòng nước chảy xiết nên có lúc vừa sửa xong, lũ xuất hiện là tiếp tục hư hỏng, phải làm lại.
"Ngoài việc đi lại khó khăn vào mùa mưa lũ thì làng Ân Phú rất yên bình. Đặc biệt, các tệ nạn như trộm cắp, ma túy hay tụ tập gây mất an ninh trật tự hiếm khi xảy ra ở đây" - ông Khương khẳng định.
Đất đai phì nhiêu ít đâu bằng
"Nghe ông bà tôi kể lại, ngày xưa, làng Ân Phú chỉ là một cồn cát nhỏ nổi giữa dòng sông. Lúc ấy, các cụ từ bên sông (xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Dõng của TP Quảng Ngãi bây giờ - PV) đi đò qua, chờ phù sa lắng đọng rồi trồng tre giữ đất, canh tác hoa màu... Dần dần, nhiều gia đình trong bờ ra cù lao ở để nuôi gia cầm, gia súc và hình thành nên làng Ân Phú. Đến giờ, làng rộng hàng ngàn hecta, đất đai trù phú, phì nhiêu ít đâu bằng. Người trồng dưa hấu ở khắp nơi tìm về đây thuê đất đầu tư, phát triển kinh tế" - ông Nguyễn Ngọc Chưa, một người dân ở làng Ân Phú, cho biết.
Bình luận (0)