Trong 2 ngày 27 và 28-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) khóa XV, các đại biểu (ĐB) thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Những kết quả hết sức đáng quý, tích cực
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đánh giá trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội đã có bước phục hồi tích cực với những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Dự kiến cả năm nay, có 14/15 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra. Việt Nam là một trong ít quốc gia trên thế giới được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá rất cao về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.
ĐB tỉnh Bình Thuận cho rằng kết quả trên có được nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bên cạnh đó, có sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của QH và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trong năm 2023 là khá cao nhưng vừa đủ để có thể phấn đấu. Ảnh: PHẠM THẮNG
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM), trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường cùng sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt kéo theo "cú sốc" khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực và làn sóng lạm phát trên toàn thế giới, những kết quả về kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được là hết sức đáng quý.
Góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ĐB Trần Hoàng Ngân lưu ý ưu tiên giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, không thắt chặt, định hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và những dự án đã được triển khai; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý trong ngắn hạn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm chi thường xuyên, lễ hội, liên hoan, tổng kết.
Các ĐB cũng thẳng thắn chỉ rõ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm khi tính đến ngày 30-9 mới đạt 46,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả rất thấp, ước giải ngân vốn ngân sách trung ương mới đạt khoảng 3,86% kế hoạch. "Chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề tồn tại, kéo dài nhiều năm, chưa có chuyển biến đáng kể. Ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa cao; thái độ thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn kém; năng lực triển khai thực hiện còn yếu, chưa quyết liệt. Đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này" - ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) chỉ ra.
Tiềm ẩn nhiều thách thức
Theo ĐB Nguyễn Hữu Thông, người dân đã gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, dù nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Hiện nay, kinh tế - xã hội của đất nước lại tiếp tục đối mặt với thách thức đến từ giá xăng dầu tăng cao, giá nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản và thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều bất ổn. "QH, Chính phủ cần quan tâm giải quyết có hiệu quả tình trạng một bộ phận cán bộ "bất an, sợ sai, trách nhiệm" và có giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023" - ĐB Nguyễn Hữu Thông đề nghị.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhận xét tâm lý đùn đẩy, né tránh công việc đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao và phục vụ người dân. "Cán bộ hạn chế năng lực thì "sợ, không dám làm"; một số cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế thì "nghe ngóng, né tránh". Cần phải chấn chỉnh để tránh ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ và việc phục vụ nhân dân" - ông Hạ nói.
Đại diện đoàn TP Hà Nội, ĐB Vũ Thị Lưu Mai phản ánh thực trạng đáng nhức nhối là hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao, dẫn đến lãng phí. Theo bà Mai, Hiến pháp đã khẳng định rất rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Điều đó có nghĩa là một quyền lực rất lớn được trao gửi cho bộ máy nhà nước. Làm sao để sử dụng đất đai hiệu quả, tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân?
ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần xử lý nghiêm "tư duy nhiệm kỳ", đề cao trách nhiệm; có cơ chế minh bạch, ranh giới rõ ràng giữa đúng - sai nhằm tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền để không tạo tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng. Từ đó, có thể nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.
Ứng phó kịch bản xấu nhất
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhìn nhận năm 2023, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ lạm phát và suy thoái. Chiến tranh và dịch bệnh có thể làm trầm trọng hơn nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. "Làm thế nào để vượt qua vòng xoáy khủng hoảng của thế giới là một bài toán vô cùng khó, cần tìm ra lời giải. Không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức đang đặt ra phía trước" - ông Cường nhấn mạnh.
ĐB Hoàng Văn Cường đánh giá Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trong năm 2023 là khá cao nhưng vừa đủ để có thể phấn đấu. "Năm 2023, thời hạn nhà nước hỗ trợ các chính sách tài khóa sẽ kết thúc. Các DN vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại vừa phải trả dần những khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua và thanh toán các khoản nợ đến kỳ đáo hạn. Ngay từ bây giờ, phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ DN đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính sách tài khóa ngược để hỗ trợ DN là giải pháp lựa chọn phù hợp trong bối cảnh này. Ngoài ra, cần nhất quán quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế để DN, nhà đầu tư yên tâm" - ông Cường phân tích.
ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị Chính phủ rà soát và xây dựng lại các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn để DN vực dậy hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đồng thời có quan điểm rõ ràng, thiết thực đối với những chính sách đã ban hành nhưng triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập trong thời gian qua...
Đề xuất ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thuế, phí xăng dầu
Liên quan tình hình thiếu hụt xăng dầu, nhất là ở TP HCM và các địa phương phía Nam, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, lo ngại giá xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, ĐB Ngân đề nghị QH ủy quyền Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định cắt, giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.
Cần nỗ lực "hồi hương" kim ấn Hoàng đế chi bảo
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên - Huế) cho hay trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu lớn, góp phần lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của cha ông ta để lại. Đồng thời, khai thác tốt phương diện giá trị kinh tế của di sản, đóng góp cho ngân sách.
Liên quan đến thông tin bảo vật kim ấn Hoàng đế chi bảo được truyền từ đời vua Minh Mạng đến đời vua Bảo Đại sẽ được đem ra đấu giá tại Pháp, ĐB Hải nhấn mạnh bảo vật quốc gia của bất kỳ quốc gia nào cũng đều bị cấm chuyển nhượng, kể cả bán đấu giá công khai. Hoàng đế chi bảo là bảo vật quốc gia, người giữ ấn tổ chức đấu giá là bất hợp pháp. Ông Hải kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu Chính phủ giải pháp đưa kim ấn về nước.
Bình luận (0)