TP HCM có hàng loạt "bẫy" mang tên đường cong được đặt chủ yếu trên các tuyến đường huyết mạch. Những chiếc "bẫy" này đang ngày đêm đe dọa người đi đường, nhất là những người đi xe máy, bởi chỉ cần bất cẩn hay gặp một chướng ngại vật bất ngờ xuất hiện thì coi như khó giữ được mạng sống với những xe tải trọng lớn đang rầm rập phía sau.
Ám ảnh nút giao cầu vượt Trạm 2
Cầu vượt nút giao thông Thủ Đức 2 (hay còn gọi là cầu vượt Trạm 2, giáp ranh giữa quận 9 và Thủ Đức) là điểm tiếp giáp giữa tuyến Quốc lộ 1 và xa lộ Hà Nội, với hàng loạt đoạn đường dẫn được thiết kế cong theo hình vòng tròn và nhiều vị trí cua "thắt ruột" như hình chữ V là điển hình của cái "bẫy" mang tên đường cong nhưng không được cảnh báo thỏa đáng.
Đoạn cong gắt từ xa lộ Hà Nội lên cầu vượt Trạm 2, xe máy chỉ cần sơ sẩy là gặp đại họa với xe tải
Đoạn đường cong dưới gầm cầu vượt Quốc lộ 1 - Hương lộ 2 (quận Bình Tân, TP HCM) rất nguy hiểm cho người đi đường
Bằng chứng là ngày 13-9, chạy vòng qua nút giao thông cầu vượt Trạm 2, chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe container lưu thông rầm rập cùng người đi xe máy trên các đoạn đường dẫn một chiều, cả hướng từ Quốc lộ 1 qua xa lộ Hà Nội hay ngược lại. Hàng loạt hướng đi với nhiều điểm xung đột nhưng theo quan sát, chỉ vài vị trí có đèn tín hiệu giao thông và biển báo. "Nếu không quan sát từ xa, người đi xe máy rất dễ lao đầu vào xe container hoặc bị tông khi chạy quá đà. Nguyên nhân là ở nhiều hướng đi tại đây, các phương tiện phải cắt chéo nhau nên rất nguy hiểm" - anh Nguyễn Văn Khánh (ngụ phường Tân Phú, quận 9) nói và chia sẻ đến giờ, người dân quận 9 vẫn chưa hết ám ảnh trước vụ tai nạn thương tâm tại khu vực này hồi cuối năm 2016, khi xe container ôm cua từ xa lộ Hà Nội lên cầu vượt Trạm 2 đã cuốn 2 người trên xe máy vào gầm khiến nạn nhân tử vong.
Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn nguy hiểm nhất là vị trí ôm cua xa lộ Hà Nội lên cầu vượt Trạm 2 (hướng về cầu Sài Gòn), ô tô buộc phải "cắt mặt" người đi xe máy rồi tiếp tục bẻ lái để chạy vòng theo đoạn đường cong. "Chỉ có 2 làn xe ở đoạn đường cong này, trong khi dòng xe container, xe tải nặng chạy rầm rập nên người đi xe máy buộc phải né sát dải phân cách bên phải để di chuyển vì chỉ cần lấn ra khỏi làn thì mất mạng như chơi" - anh Khánh nói thêm.
Theo anh Nguyễn Văn Nam (ngụ quận 9, lái xe tải), không chỉ riêng khu vực trên mà các đoạn đường dẫn còn lại ở nút giao cầu vượt Trạm 2 theo hướng về An Sương hay cầu Đồng Nai... cũng có độ cong rất gắt, đặc biệt là còn có vị trí ôm cua theo hình chữ V, như đoạn ở chân cầu (phía phường Tân Phú, quận 9). "Người đi xe máy không làm chủ được tốc độ thì rất dễ trượt ngã, còn ô tô chở hàng lại dễ lật" - anh Nam nhận định.
Giật mình vì CSGT
Tương tự, tại khu vực cầu vượt Cát Lái (quận 2) cũng có cả một hệ thống những đoạn cong, gồm 4 nhánh cầu bắc ngang xa lộ Hà Nội nối với đường Mai Chí Thọ và chỉ cho ô tô lưu thông. Khu vực này có lượng xe trọng tải lớn lưu thông dày đặc để ra vào cảng Cát Lái và từng xảy ra nhiều trường hợp xe container lật khi lưu thông qua các đoạn cong gắt. Tương tự, đoạn đường cong dưới gầm cầu vượt Quốc lộ 1 - Hương lộ 2 (quận Bình Tân), nhiều người cũng lo lắng do khá hẹp và lại khuất tầm nhìn.
Vấn đề nhiều người bức xúc nhất tại các cung đường cong là chuyện thường xuyên có lực lượng CSGT đứng chốt để xử phạt phương tiện không bật đèn xi nhan. Ở cầu vượt Trạm 2, người dân cho biết nhiều đoạn lưu thông một chiều và chỉ có hướng đi duy nhất nhưng CSGT vẫn đứng chốt để kiểm tra, trong khi việc này có thể gây nguy hiểm cho người đi đường. "Tâm lý của nhiều người khi gặp CSGT thường giật mình, thậm chí hốt hoảng nên nếu đứng ở khu vực đường cong, khuất tầm nhìn thì rất nguy hiểm bởi dễ làm người chạy xe lạc tay lái, trượt ngã" - anh Nguyễn Nam bức xúc nói về hiện tượng trên tại khu vực cầu vượt Trạm 2.
Còn bà Bùi Thị Loan (ngụ quận Thủ Đức) nói: "Cách đây hơn 1 tháng, tôi vừa chạy xe máy từ xa lộ Hà Nội lên cầu vượt Trạm 2 ở phía phường Tân Phú, quận 9, tới khúc cong thì gặp ngay chốt CSGT bắt xi nhan. Hoảng hốt nên tôi thắng gấp xe rồi trượt ngã, may mắn chỉ bị xây xát nhẹ".
Ở đoạn đường cong dưới gầm cầu vượt Quốc lộ 1 - Hương lộ 2 cũng có hiện tượng CSGT đứng chốt để bắt lỗi không bật đèn xi nhan của các phương tiện. "Tôi không phản đối việc CSGT kiểm tra giấy tờ nhưng tại sao không chọn những đoạn đường thẳng, thông thoáng mà lại chốt ở đoạn đường cong, có thể gây nguy hiểm cho người đi đường" - chị Lê Thị Tuyết (ngụ quận 12) bức xúc nói.
Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, khi điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường nơi không giao nhau mà người điều khiển phương tiện không có tín hiệu báo hướng rẽ thì không bị xử phạt. Tuy nhiên, chị Tuyết thắc mắc là hiện tượng CSGT vẫn thường đứng chốt ở các đoạn đường cong, thậm chí là những đường chỉ có hướng đi duy nhất để phạt đèn tín hiệu xi nhan.
Nên điều chỉnh các đoạn đường cong
Theo TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM), trên địa bàn TP hiện có nhiều khúc cua, đoạn cong ít được quan tâm điều chỉnh.
"Bản thân tôi chứng kiến có nhiều vị trí, các phương tiện phải di chuyển với bán kính cong quá lớn nhưng không có những cảnh báo, hạn chế tốc độ cụ thể, chi tiết, dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn" - TS Kim Cương nói và đưa ra giải pháp nên lắp đặt thêm các gương cầu lồi để giúp người điều khiển phương tiện quan sát tốt. Riêng những đoạn đường cong, khuất tầm nhìn, CSGT không nên đứng chốt bởi sẽ gây tâm lý bất ngờ cho người tham gia giao thông, có thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Bình luận (0)