Vài năm nay, trên thị trường gốm sứ xuất hiện dòng sản phẩm mới với những nét độc đáo, khác lạ, mang đậm chất văn hóa - tâm linh. Đó là Nason, tuy ra đời chưa lâu nhưng đã trở thành thương hiệu gốm sứ có tiếng. Và người tạo nên sản phẩm này không hề xa lạ: Cựu chiến binh, doanh nhân, thạc sĩ Lê Duy Hảo - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Sông Lô chuyên về xây dựng, cầu đường và khai khoáng ở Hà Giang trước đây.
Đột nhiên lâm nạn
Sau những năm cầm súng chiến đấu bảo vệ biên cương ở mặt trận Thanh Thủy - Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, đến cuối những năm 1980, ông Lê Duy Hảo rời quân ngũ, chọn địa phương này làm nơi khởi nghiệp. "Thoạt đầu, tôi thành lập xí nghiệp xây lắp rồi nâng lên thành công ty TNHH" - ông nhớ lại.
Sau nhiều năm phấn đấu gian khó, Công ty Sông Lô của ông Hảo trở thành doanh nghiệp hàng đầu ở Hà Giang. Doanh nghiệp này từng giành Giải thưởng Sao Đỏ và danh hiệu Doanh nhân Sao Vàng Đất Việt, được tặng huân chương lao động và nhiều bằng khen của các cấp, ngành.
Ông Lê Duy Hảo tận tay tinh chỉnh một sản phẩm (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sông Lô từng một thời là doanh nghiệp đi đầu trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp vào quỹ phúc lợi - từ thiện và nộp ngân sách ở Hà Giang. Từng học quản trị kinh doanh ở Mỹ, có bằng MBA, ông Hảo được bầu làm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ đầu tiên của Hà Giang…
Nhưng rồi mọi chuyện đột nhiên thay đổi. Giai đoạn 2005 - 2009, Công ty Sông Lô bị một số người trong ban lãnh đạo tỉnh Hà Giang "gây khó" bằng các quyết định hành chính sai lầm khiến thành quả mà doanh nghiệp đạt được trước đó gần như trở về con số không. Cực chẳng đã, ông Hảo đành phải rời Hà Giang, trở về Hà Nội và quê hương Phú Thọ để tái khởi nghiệp.
Những lần gặp nhau sau đó, chúng tôi đều tìm cách khơi gợi lại chuyện cũ ở Hà Giang nhưng ông Hảo có vẻ hờ hững trước "sự cố" này. "Chuyện đã qua lâu rồi, không nhắc lại nữa!" - ông tuyên bố. Chúng tôi chỉ biết về sau, tòa án đã xét xử và tuyên Công ty Sông Lô của ông thắng kiện UBND tỉnh Hà Giang.
Đam mê gốm sứ
"Giờ ta chỉ nên nói chuyện về gốm sứ thôi" - vị giám đốc Công ty CP Gốm sứ Nason trở nên hào hứng. Tiếp chúng tôi tại "ngôi nhà gốm sứ" của mình trên đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, ông Lê Duy Hảo hồi tưởng: "Rời Hà Giang, tôi dành thời gian nghiên cứu về Phật pháp và ngộ ra nhiều điều. "Vận hạn" gặp phải ở Hà Giang vô hình trung đã đưa tôi đến với giáo lý nhà Phật. Tôi đã cởi bỏ được những oán giận, bức xúc, chán nản… để tìm đến với sự thanh thản".
Tôi chợt nhớ ông Hảo đã viết hẳn cuốn sách mang tên "Vượt qua vận hạn", xuất bản năm 2011. Nội dung sách phần nhiều là tự truyện của ông nhưng trên hết, tác giả dùng Phật học để soi chiếu, lý giải, chiêm nghiệm quãng đời mà mình đã trải qua, để tránh xa tham - sân - si và hướng tới những điều thiện tâm. "Nhờ được tiếp cận giáo lý nhà Phật, tôi đã nghĩ đến việc phải làm điều gì đó cho quê hương, trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Và ý tưởng về dòng gốm sứ văn hóa - tâm linh ra đời từ đó" - ông kể.
Khánh hàng tìm hiểu gốm sứ văn hóa - tâm linh (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Gần 10 năm nay, ông Hảo đã dồn công sức, của cải và tâm huyết để thực hiện bằng được ý tưởng của mình. Người dân Đào Xá (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) đã quen với hình ảnh người đàn ông trung niên một mình lầm lũi lên đồi, xuống suối khảo sát, đào bới, lấy mẫu đất đá nghiên cứu nguồn nguyên liệu tại chỗ; tìm nơi dựng lán trại rồi mời thợ lành nghề, thuê chuyên gia gốm sứ ở các nơi về làm thử nghiệm.
Mải làm, mải nghĩ đến quên ăn, quên ngủ, quên cả thời gian khiến ông Hảo gầy rộc, có khi sút mười mấy ký. "Nhiều lúc gặp thất bại gần như trắng tay, tưởng đã gục ngã nhưng tôi không nản. Tôi vẫn kiên trì thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm" - ông cho biết.
Sản phẩm gốm sứ văn hóa - tâm linh mà thạc sĩ Lê Duy Hảo sáng tạo đã thuyết phục được các nhà khoa học và nhiều chuyên gia đầu ngành của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội".
(GS-TS VŨ HOAN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội)
Sự kiên trì và lòng đam mê cháy bỏng của ông Hảo cuối cùng cũng được đền đáp. Những sản phẩm gốm sứ của ông dần hoàn thiện, trở thành một thương hiệu được chú ý trên thị trường. Tôi từng nghe nhiều người làm việc và cộng tác với ông thốt lên: "Vững vàng vượt qua mọi khó khăn, không chịu đầu hàng trước thử thách nghiệt ngã, không biết ông ấy lấy đâu ra nhiều sức lực và niềm tin đến thế?!".
Đến xưởng sản xuất của ông Hảo ở Đào Xá, tôi mới cảm nhận được phần nào nỗi nhọc nhằn và sự say mê của ông với gốm sứ. Ông tỉ mẩn kiểm tra từng sản phẩm vừa được tạo hình, vẽ hoa văn, họa tiết; khắt khe yêu cầu nhân công, nghệ nhân tráng men cho đều, không vón giọt; nhẫn nại thức trắng đêm theo dõi lò nung rồi tỉ mỉ ghi chép tất cả thông số liên quan...
"Tôi đã lặn lội đi khảo sát thực địa, thử nghiệm tại chỗ, mua sắm thiết bị rồi tìm đến hầu như tất cả các làng nghề gốm sứ ở Việt Nam và một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản… để học hỏi. Tôi đã "đốt" nhiều tỉ đồng cho ý tưởng của mình. Cuối cùng, sau nhiều lần thất bại, tôi đã thành công. Sản phẩm của tôi đã được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Cách đây không lâu, một số sản phẩm của chúng tôi đã được hoan nghênh và đặt hàng tại Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất" - ông tự hào.
Nhận 2 kỷ lục
Theo nhiều nhà nghiên cứu, sản phẩm của ông Lê Duy Hảo được sáng tạo trên cơ sở lưu giữ, phát triển giá trị truyền thống của gốm sứ Việt Nam và chọn lọc, tiếp thu tinh hoa của các dòng gốm sứ nổi tiếng thế giới. Điểm độc đáo của loại gốm sứ mới lạ này thể hiện rõ nhất trong thành phần nguyên liệu và phương pháp nung luyện. Nhà sản xuất dùng rất nhiều bột thạch anh tinh thể trộn với cao lanh để tăng độ trong, bền và khả năng tích hợp năng lượng của sản phẩm; đồng thời dùng phương pháp "hỏa biến" trong quá trình nung luyện để tạo màu thay vì dùng các loại bột màu…
Ông Lê Duy Hảo (bìa phải) giới thiệu sản phẩm của mình với các đại biểu dự “Hội ngộ Kỷ lục thế giới lần thứ II (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Mới đây, ngày 26-8, lãnh đạo 10 tổ chức kỷ lục ở các nước và khu vực là thành viên Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) dự cuộc "Hội ngộ Kỷ lục thế giới lần thứ II" - do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đăng cai tại TP HCM - đã thống nhất trao Kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục Thế giới cho gốm sứ Nason là "sản phẩm có tỉ lệ thạch anh cao nhất". Trước đó, từ tháng 8-2013, tất cả các mẫu sản phẩm Nason dùng đựng thức ăn, đồ uống được gửi đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả, 100% mẫu đều bảo đảm, không phát hiện chất độc hại nào ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Bình luận (0)