Chiều 26-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị (QLĐSĐT) TP HCM Lê Nguyễn Minh Quang đã cho biết nhiều vấn đề liên quan việc Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều vi phạm tại Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro 1).
Đổi thiết kế tường vây, Nippon Koei đã đồng ý
* Phóng viên: Hạng mục tường vây hầm metro 1 (gói thầu CP1a) bị cho là không đúng quy trình khi thay đổi thiết kế từ 2 m xuống còn 1,5 m. Vì sao ông quyết định điều chỉnh này?
- Trưởng Ban QLĐSĐT TP Lê Nguyễn Minh Quang: Trước khi về Ban QLĐSĐT, tôi có nghiên cứu hồ sơ thiết kế tường vây đoạn đường Lê Lợi và nhận thấy nhiều bất hợp lý. Điều này tôi dựa trên kiến thức và kinh nghiệm 20 năm công tác trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm.
Tường vây của toàn bộ tuyến metro số 1 có bề dày tối đa là 1,5 m, kể cả ở các khu vực có thể bị ảnh hưởng nhất, nằm gần nhà dân nhất như Nhà hát TP, khách sạn Rex và sát các tòa nhà thương mại xung quanh. Nhưng gói thầu CP1a lại có đoạn bất thường 170 m (từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) được thiết kế dày 2 m, dù địa chất y chang các khu vực kia và xa nhà dân hơn. Theo tính toán của đơn vị thi công trực tiếp, nếu giảm từ 2 m xuống 1,5 m sẽ tiết kiệm được khoảng 1 triệu USD. Do vậy, tôi chủ động xin gặp lãnh đạo TP để báo cáo.
Khi về làm việc tại Ban QLĐSĐT, tôi cùng anh em kỹ sư tâm huyết đã kiên trì yêu cầu Tư vấn Nhật Bản Nippon Koei tính toán lại. Nippon Koei là đơn vị tư vấn hàng đầu của Nhật, sửa lại họ rất ngại, sợ ảnh hưởng uy tín. Nhưng sau khi mình chứng minh được điều kiện địa chất tương tự nhau, toàn đoạn tiếp nối nhau nhưng lại có đoạn 2 m, trong khi nhà dân lại ở xa. Ngoài ra, những công trình làm xung quanh là Saigon Center, Vincom… 5-6 tầng hầm, người ta làm dày nhất cũng chỉ 1,5 m, thậm chí có đoạn 1,2 m. Sau 4 tháng quyết liệt bảo vệ quan điểm, cuối cùng đơn vị tư vấn đã đề xuất lại, làm tường vây dày 1,5 m như toàn bộ tuyến metro.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang trả lời Báo Người Lao Động chiều 26-12 (Ảnh GM-PA)
* Việc điều chỉnh dù tiết kiệm được 93 tỉ đồng nhưng dư luận lo ngại về lâu dài chi phí bảo dưỡng sẽ cao hơn rất nhiều so với số tiền kiết kiệm được, đó là chưa kể độ chịu lực không đúng thiết kế gây biến dạng với tổng thể công trình có thể gây sụp, lún, nguy hiểm?
- Nói đi cũng phải nói lại và đặt ngược lại vấn đề. Tại sao ngày xưa anh thiết kế những chỗ khác 1,5 m, trong khi chiều cao công trình như nhau nhưng lại có đoạn 2 m. Tư vấn Nhật giải thích với tôi rằng do địa chất phức tạp. Tôi mới đề nghị lấy tất cả mẫu địa chất ra để kiểm chứng. Tôi dám đảm đảo địa chất gần như tương tự.
Thứ hai, tư vấn Nhật không dễ gì họ chấp nhận thay đổi, còn cả danh tiếng của họ. Nên một khi họ chấp nhận thay đổi thì họ đã thấy sự hợp lý trong đó. Người ta đâu biết ngoài Ban QLĐSĐT còn tư vấn của Nhật, tư vấn độc lập của Việt Nam khẳng định việc thay đổi từ 2 m xuống 1,5 m hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình.
Sau đó, Ban QLĐSĐT đã đề nghị Tư vấn thẩm tra Sao Việt do nhóm phó giáo sư, tiến sĩ Trường ĐH Xây dựng thẩm tra và kết luận việc điều chỉnh này hoàn toàn đạt yêu cầu kỹ thuật. Để đánh giá khách quan độ an toàn của tường vây, UBND TP đã giao cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) mời Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải TEDI (thuộc Bộ GTVT) thẩm tra độc lập, kết quả cũng tương tự. Như vậy, kết quả tính toán độc lập của nhiều công ty tư vấn Nhật và Việt Nam đều cho kết quả ổn định.
Điều đáng nói là việc điều chỉnh thiết kế tường vây đã đem lại khoản tiết kiệm 93 tỉ đồng (4 triệu USD) và rút ngắn thời gian thi công hơn 5 tháng. Tôi khẳng định, việc điều chỉnh là để tiết kiệm cho TP, hoàn toàn không vì mục đích nào khác. Việc này, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm soát, đối chứng rất chặt chẽ và được khẳng định trong báo cáo Kiểm toán số 725 ngày 20-12 vừa qua. Có thể xuất hiện những thông tin mang yếu tố tiêu cực nhưng tôi làm việc này hoàn toàn trong sáng.
Làm chưa đúng quy trình do không biết
* Theo nguyên tắc, việc điều chỉnh thiết kế phải được báo cáo TP, sao ông lại tự quyết?
- Tôi thừa nhận việc này làm chưa đúng quy trình. Cụ thể là từ ngày 8-12-2015, UBND TP đã ủy quyền cho Ban QLĐSĐT chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật các hạng mục. Anh em cứ nghĩ tổ chức là tự mình làm luôn.
Đáng lẽ sau khi tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, khi hoàn thành báo cáo thẩm định sẽ trình UBND TP hoặc chuyển cho Sở GTVG tùy theo thời điểm. Nhưng anh em từ thời điểm đó trở đi như anh Bùi Xuân Cường (trước là Trưởng Ban QLĐSĐT - phóng viên) cũng ký, tôi cũng ký khi về công tác tại ban từ tháng 6-2016 mà không biết. Thành ra chỗ này mình làm chưa đúng quy trình.
Từ ngày 1-6-2017 nội dung ủy quyền của TP không còn phù hợp với Nghị định 42/2017 của Chính phủ và việc thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình tuyến metro số 1 thuộc thẩm quyền Sở GTVT.
Trước tình đó, UBND TP mới quyết định kể từ ngày 8-12-2015 đến ngày 1-6-2017 những hồ sơ nào đã ký đưa về Sở GTVT tập hợp, báo cáo UBND TP. Từ ngày 1-6-2017 cho đến sau này thì chuyển cho Sở GTVT rà soát lại. Mình có sai sót thì mình làm lại thôi chứ anh em cũng không có ăn gian ăn bớt gì ở đây.
Chậm lương nên nhân viên bất an
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, có 50/220 nhân sự ở Ban QLĐSĐT nghỉ việc, trong số đó có người nghỉ hưu hoặc mất. Chuyện nghỉ việc có nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc do điều chỉnh tổng mức đầu tư kéo dài.
"Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Vốn liếng thiếu, thi công chậm trễ. Tiền quản lý dự án tính 5 năm nhưng kéo dài 10 năm nên giờ hết tiền rồi. Khoảng 4-5 năm nay, tiền tạm ứng đều từ ngân sách TP. Việc tạm ứng ngân sách TP cũng khó khăn nên dẫn đến việc chậm lương, trong cán bộ có xuất hiện tâm lý bất an" - ông Quang nói.
Bình luận (0)