Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bí danh Sáu Dân, tên thật là Phan Văn Hòa), sinh ngày 23-11-1922 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 16 tuổi, ông đến với cách mạng và là một trong những người lãnh đạo nhân dân huyện Vũng Liêm khởi nghĩa Nam Kỳ.
Luôn đi đầu trong suy nghĩ và hành động
Trên con đường cách mạng, kháng chiến, từ Nam ra Bắc, xuôi ngược ba miền, ông luôn đi đầu trong suy nghĩ và hành động cách mạng; luôn ở vị trí là lãnh đạo chỉ huy ở tuyến đầu kiên cường, dũng cảm, tận tụy; được mọi người yêu quý và kính trọng.
Trong cuộc chống Mỹ cứu nước, phu nhân và 3 người con của ông đã hy sinh trước bom đạn của quân thù, để lại trong ông những nỗi đau không gì bù đắp được cho đến tận cuối đời. Nhưng với cách mạng, với cuộc đời, ông Sáu luôn là người lạc quan tin tưởng, luôn luôn rạng rỡ nụ cười - "Nụ cười Võ Văn Kiệt!".
Trong cuộc sống, thực tế không phải lúc nào cũng chỉ có nụ cười Võ Văn Kiệt. Chỉ những người gần gũi với ông Sáu mới được chứng kiến những giây phút ông gần như cắn răng chấp hành một quyết định hay chủ trương phải thực hiện dù ông không tán thành, song vẫn nhẫn nhục, cố sao ngăn chặn được nhiều nhất những hậu quả xảy ra.
Một trong những chuyện như thế nặng nề nhất, đau lòng nhất với ông Sáu chính là vấn đề "Hòa hợp dân tộc". Nhưng rồi ông cũng tìm ra được cách nói rất riêng của mình, rất "Sáu Dân". Đại ý ông nói: "Mỗi năm đến ngày kỷ niệm 30-4-1975, có một triệu người vui nhưng cũng có một triệu người buồn"...
Chúng ta thử hình dung: nỗi đau nào, tâm trạng nào, trí tuệ nào để có thể tìm ra một câu nói như thế cho một vấn đề rất tế nhị và vô cùng quyết liệt như vậy! Chỉ có người vui ấy và người buồn ấy, cả hai cùng một lúc đều ở sâu thẳm trong tâm khảm con người Sáu Dân, mới có thể nói ra được như vậy! Còn sự chia sẻ nào hơn sự chia sẻ này về nỗi đau của dân tộc!?
Hôm nay, viết những dòng chữ này, tôi thấy như ông Sáu vẫn đang tâm sự với mình! Thế rồi, sau đó, ông Sáu cũng bị "đánh vắng mặt" hay đánh sau lưng tơi bời nhưng ông bỏ qua, không chấp và không sờn lòng. Cái tâm của ông Sáu chỉ có nhân dân và Tổ quốc là trên hết. Và cũng đừng quên điều này: ông Sáu luôn trung thành với những lý tưởng đúng đắn tốt đẹp của cách mạng, cái chất của người cộng sản Sáu Dân là ở chỗ này nhưng không bao giờ giáo điều. Với những tố chất như thế, có thể nói ông Sáu là một đảng viên cộng sản chân chính.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tác giả (từ trái sang). Ảnh do tác giả cung cấp
Con người của phương pháp
Trong công việc, khi ở TP HCM cũng như khi ở cấp quốc gia, ông Sáu rất coi trọng xác định quan điểm và phương hướng hoạt động trong từng lĩnh vực, từng loại việc, song không quá thiên về quan điểm và phương hướng, mà luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những phương pháp, những cách thức hoạt động thiết thực, cụ thể.
Nhiều anh em đã gọi ông Sáu Dân là "con người của phương pháp", phương pháp ấy nảy sinh chủ yếu từ trong dân, trong việc ông Sáu Dân sống trong dân, cùng dân, học tập và phát huy dân.
Ông Sáu là người có thực tiễn, có chính kiến, bản lĩnh và trách nhiệm trước lợi ích của đất nước, dân tộc. Ông biết sử dụng tham vấn khoa học của các nhà khoa học, quản lý. Khi tiếp xúc riêng với giới trí thức hay người lao động, ông lắng nghe chân thành, ghi chép cẩn thận. Khi làm chính sách, ngoài các nhóm tham mưu chính thống, ông thường mời thêm các nhà khoa học độc lập để phản biện cho khách quan.
Phẩm chất của người lãnh đạo ở ông còn thể hiện từ việc chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Ông luôn quan tâm đi thực tế kiểm tra để cập nhật, đối chiếu với nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống và sẵn sàng điều chỉnh, bổ sung các quyết định vì quyền lợi của người dân. Tầm vóc, nhân cách, sự sáng suốt, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm của ông đã được nhiều người nhắc đến trong các cuốn sách và bài báo viết về ông.
Có thể nói ông là một mẫu hình chính trị gia đáng kính, là điển hình con người trong dân, của dân, do dân, vì dân, từ cấp cơ sở lên cấp quốc gia và quốc tế, qua các nấc thang, từ miền Nam đến khắp nơi trong cả nước, từ chiến tranh đến hòa bình, trải qua các cương vị, các dạng hoạt động, các vùng miền, các thời kỳ lịch sử. Đồng thời ông Sáu là yêu sống say mê, mãnh liệt với những ưu điểm người và khiếm khuyết của con người. Ông cũng thừa nhận là không ít vấn đề bản thân biết chắc là đúng nhưng cách làm không phù hợp nên không thành công.
" Anh Sáu Dân là kim cương đấy"
Ông Sáu là người có tầm nhìn, tư duy sâu sắc, mạnh mẽ, để lại nhiều dấu ấn trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước. Kể cả khi được quyền nghỉ ngơi, ông vẫn không ngừng tư duy, trăn trở làm sao để đất nước phát triển giàu mạnh, người dân được thực sự tự do, sung sướng.
Ông không có bằng cấp học vị nhưng rất thông tuệ nhờ chịu khó tự học, ham đọc sách, học ở trường đời và biết trọng dụng người tài. Ông học từ thực tế qua công việc, từ nguyên thủ quốc gia của các nước đến những buổi trò chuyện, đối thoại với các nhà khoa học, người dân; lắng nghe, suy nghĩ, kiểm nghiệm, sáng tạo để tạo thành trí thức của riêng mình. Từ những việc tưởng chừng rất nhỏ, ông nhìn ra những việc trọng đại lớn lao của đất nước, của dân tộc. Năm tháng trôi qua, lịch sử ngày càng chứng minh các đề xuất, kiến nghị của ông luôn đi trước thời đại và được thực tế minh chứng.
Trong mấy năm cuối đời, dù không còn giữ chức vụ nhưng ông Sáu Dân vẫn cố gắng đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, đặc biệt là đổi mới thiết chế chính trị (cả thể chế và tổ chức, con người), coi đó là vấn đề then chốt để đưa nước ta phát triển theo kịp xu thế của thời đại hội nhập quốc tế và không bị tụt hậu.
Nhân sinh nhật lần thứ 95 của ông Sáu Dân, tưởng nhớ ông, tôi lại nhớ đến một lần vào Bệnh viện Hữu Nghị ở Hà Nội thăm nhà thơ Việt Phương đang điều trị ở đây. Trước lúc ra về , anh Việt Phương nắm chặt tay tôi nhắn nhủ trước mặt chị Tú Lan, người bạn đời, nguyên văn như sau: "Con người không ai là toàn bích nhưng anh Sáu Dân là kim cương đấy!".
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cuộc đời hoạt động của mình, cũng không tránh khỏi các khuyết điểm, thiếu sót nhưng ông luôn lắng nghe những ý kiến góp ý phê phán để suy ngẫm kịp thời sửa chữa, biết nhìn lại mình từ những việc nhỏ nhìn ra những việc trọng đại của đất nước để dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có lẽ vì thế, ngay cả khi đã đi xa, hình ảnh của ông vẫn để lại sự kính trọng, tiếc thương trong người dân.
Bình luận (0)