Trao đổi với báo giới sau lễ khai trương 3 đường bay đến Hải Phòng ngày 10-5, trước câu hỏi về bài toán nhân lực khi có dư luận cho rằng Bamboo Airways đang thiếu phi công, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways, cho biết hiện nay Bamboo Airways đang thừa phi công và tiếp viên. Hồ sơ phi công, tiếp viên ứng tuyển vào làm việc tại hãng với số lượng lớn nhưng hãng "quá tải" chưa bố trí được người phỏng vấn.
Tiếp viên Bamboo Airways làm việc trên một chuyến bay
Chủ tịch kiêm tổng giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways cho biết thời gian tới chắc chắn hãng sẽ tăng đội máy bay vì hiện nay hãng khai thác 10 máy bay, từ đầu năm đến nay bay gần 6.000 chuyến bay, bình quân mỗi ngày hơn 50 chuyến bay. Công suất ghế trung bình đã đạt trên 80%, có đường bay ngắn công suất không đạt như kỳ vọng song có chuyến gần đạt 99%. Kế hoạch kinh doanh của hãng sẽ mở rộng số lượng tàu bay, cuối 2019 dự kiến có 40 chiếc, đến năm 2020 - 2021 sẽ lên đến 100 máy bay hoặc hơn 100 máy bay.
Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định đội máy bay của hãng sẽ có khoảng 10 chiếc Boeing 787 Dreamliner, những chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao vào đầu quý IV/2020. Phi công phục vụ máy bay Boeing 787 sẽ được Bamboo Airways tuyển dụng có từ đội ngũ có kinh nghiệm phục vụ các hãng hàng không quốc tế của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Tiếp viên từ Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. "Tiếp viên và phi công chúng tôi đang có một lượng hồ sơ dư thừa, chúng tôi muốn đào tạo chuyên nghiệp ngay từ đầu, tuyển dụng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng"- ông Quyết khẳng định.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 4-5, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết vừa qua, bộ đã nhận được báo cáo của Vietnam Airlines về tình trạng các phi công của Vietnam Airlines chuyển sang làm việc cho Bamboo Airways. "Hiện nay, chúng tôi đang cho kiểm tra vấn đề này để xem tình trạng di chuyển việc làm của các phi công này có sai quy định hay không. Nhưng thực chất đây là một quy luật của cơ chế thị trường, nhà nước không thể can thiệp sâu. Tuy nhiên, bộ đang kiểm tra vấn đề này và sẽ sớm có kết quả"- Thứ trưởng khẳng định.
Cũng trong ngày 10-5, trả lời câu hỏi của báo chí về câu chuyện nhân sự hàng không bên lề đại hội đồng cổ đông của Vietnam Airlines, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho rằng thị trường rất thiếu lao động chuyên ngành. Điều này cần giải pháp tổng thể, trước mắt là vấn đề về lương và xa hơn là đào tạo lao động. Vietnam Airlines sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, chuyển loại phi công nhằm đảm bảo nguồn lực trong dài hạn.
Liên quan đến cơ chế lương, thưởng, đãi ngộ cho phi công, ông Phạm Ngọc Minh cho biết Vietnam Airlines bị vướng trần về lương bổng liên quan đến quy định của nhà nước và đang có kiến nghị phương án để chủ động về tiền lương đối với lực lượng lao động kỹ thuật cao.
Trước đó, tại chương trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019 ngày 5-5 ở TP HCM, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết hiện nay Vietnam Airlines đang bị chảy máu chất xám khi có các nhân tố mới gia nhập thị trường vận tải hàng không. Mức lương của phi công Vietnam Airlines hiện đã bằng khoảng 75% phi công nước ngoài. Nhưng, một số doanh nghiệp mới sẵn sàng bỏ ra khoản trả cao hơn để thu hút nguồn nhân lực, có mức thu hút đến 30% nhân lực một đội bay.
Ông Thành kiến nghị cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp cần được triển khai quyết liệt theo quy định để mở nút thắt cơ chế, giúp doanh nghiệp chủ động hoàn toàn về chính sách nhằm thu hút các nguồn lực xã hội cho đào tạo, giữ chân nguồn lực chất lượng cao.
Trong điều kiện vấn đề hạ tầng sân bay, nguồn nhân lực và kỹ sư hàng không thiếu hụt, Vietnam Airlines đã tập trung lớn vào xây dựng cơ sở đào tạo, bên cạnh trung tâm huấn luyện bay ở TP HCM còn thành lập thêm Công ty CP Bay Việt để huấn luyện phi công. Lực lượng phi công hiện có 1.200 người, trong đó số lượng phi công Việt Nam đang chiếm khoảng 75%, gấp gần 4 lần so với năm 2014 và mỗi năm phát triển thêm từ 80-100 phi công cho khai thác.
Bình luận (0)