Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, bến phà Cao Lãnh không phải chấm dứt sứ mệnh lịch sử kể từ ngày 27-5-2018 (là ngày khánh thành) mà được phép hoạt động thêm 1 năm nữa nhưng chỉ với 2 chiếc phà nhỏ để đưa rước người dân địa phương, học sinh, sinh viên và cán bộ qua lại thường ngày.
Bốn đời thợ lái
Anh Nguyễn Nhựt Sơn (37 tuổi) có nhà gần bến phà Cao Lãnh (thuộc khu vực khóm 1, phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), cho biết gia đình anh có đến 4 đời gắn bó với nghề lái phà ở bến này. Ông cố thì anh không rõ lái phà Cao Lãnh kể từ năm nào nhưng ông nội là Nguyễn Văn Nhung thì tham gia từ năm 1930. Sau này, ông Nguyễn Cẩm Đường (SN 1956) là cha anh cũng lái phà cho đến năm 1975 mới nghỉ hưu.
Năm 2005, anh Sơn tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán và về làm việc ở văn phòng của Ban Quản lý Bến phà Cao Lãnh. Cũng vì được theo cha ngay từ nhỏ lên phà nên anh Sơn đam mê cái nghề ôm vô lăng phà từ lúc nào không biết. Ban quản lý không còn chỗ cho kế toán thì anh xin vào làm bảo vệ bến phà để có cơ hội trở thành thợ lái phà. Thấy anh Sơn có "máu" với nghề, ban quản lý tạo điều kiện cho anh đi học bằng lái tàu hạng 3. Tuy nhiên, với bằng lái này thì anh vẫn chưa được phép ôm vô lăng mà chỉ làm công việc của một thủy thủ như móc dây buộc mỏ phà, hướng dẫn và sắp xếp xe. Bằng sự quyết tâm cao nên không lâu sau đó, anh đã có bằng lái hạng 2, được lái phà có tải trọng dưới 100 tấn.
Những chuyến phà tải trọng lớn cuối cùng ở bến phà Cao Lãnh
"Tôi nhớ rất rõ là hồi ông nội và cha tôi còn làm thì bến phà này chỉ có 2 chiếc phà bằng sắt loại nhỏ. Khi ông nội nghỉ hưu thì cha tôi vẫn còn lái chiếc phà này vì vào thời điểm đó xe và khách rất ít. Chính những lần được mẹ sai mang cơm xuống phà cho cha mà từ đó tôi thích cái nghề này. Thích là vì thấy con người mình nhỏ nhắn mà lại điều khiển được chiếc phà to đùng đến thế" - anh Sơn nhớ lại với vẻ tự hào.
Anh nhìn nhận rằng những ngày đầu vào nghề anh cũng mắc một vài lỗi ngoài ý muốn. Chẳng hạn như có lần anh được thợ lái kỳ cựu nhờ lái hộ để đi dùng cơm trưa. Khi phà chuẩn bị cập bến thì bất ngờ có gió to nên mỏ phà va quệt vào cầu dẫn làm thủng một lỗ. Cú va quệt tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng đủ làm cho hành khách trên phà hú vía. Sau sự cố này, anh không ngừng học hỏi kinh nghiêm của những đồng nghiệp đi trước về cách ứng phó với hướng gió, nước chảy xiết để phà cập bến nhẹ nhàng và an toàn tuyệt đối.
"Làm lâu ngày sẽ có kinh nghiệm theo kiểu nghề dạy nghề thôi chứ không ai có thể cầm tay chỉ việc cho mình hoài được. Cái quan trọng nhất là mình chịu khó học hỏi cộng với những va chạm thực tế sẽ giúp bản thân hoàn thiện hơn. Chỉ còn hơn tháng nữa là tôi sẽ được nâng lên hạng 1 để lái phà trên 100 tấn" - anh Sơn khoe.
Muốn gắn bó thêm
Ông Trần Văn Hùng (58 tuổi; ngụ ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP Cao Lãnh) cho biết đã tham gia vào tổ sửa chữa máy cho bến phà Cao Lãnh từ năm 1984. Vào thời điểm đó, việc được rước khách và xe qua sông chủ yếu bằng loại phà nhỏ, có tải trọng từ 40-60 tấn. Phần lớn những người thợ sửa máy đều có tay nghề không cao lắm nên mọi người thường họp bàn để trao đổi rồi rút kinh nghiệm cho nhau. Cũng chính vì vậy, không lâu sau đó tay nghề của mỗi người cũng nâng lên và làm chủ được công nghệ. Từ năm 1992 trở lại đây, bến phà cũng nâng cấp với những chiếc phà có tải trọng trên 100 tấn.
"Mới vừa làm quen được với máy móc của loại phà này chưa bao lâu thì lại nhận lệnh sang phà mới vì yêu cầu công việc. Tôi nghe nói sau khi cầu Cao Lãnh khánh thành thì sẽ có một số anh em nghỉ việc nên cũng buồn. Thật ra, với độ tuổi của tôi hiện nay đã có thể xin nghỉ hưu cũng được rồi nhưng vì thấy sức khỏe còn tốt nên muốn gắn bó thêm. Nhờ cái nghề này mà 3 đứa con tôi cũng vào được đại học. Hơn nữa, dân mình ai cũng có chung mơ ước là có cây cầu bắc qua sông để thuận tiện trong việc đi lại. Trong ngày 25-5, tôi phải theo chiếc phà này cùng với chiếc phà loại 100 tấn khác đi về bến mới ở Phong Hòa (huyện Lai Vung) để đưa khách qua quận Ô Môn (TP Cần Thơ)" - ông Hùng nói.
Anh Nguyễn Nhựt Sơn ghi nhật ký sau khi phà cập bến
Còn anh Phan Hồng Thanh (38 tuổi; ngụ TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), cho biết anh về làm nhiệm vụ lái phà ở đây được hơn 8 năm. Anh Thanh cho rằng hay tin cầu Cao Lãnh chuẩn bị khánh thành thì cũng cảm thấy buồn vì sẽ có rất nhiều anh em phải tạm chia tay nhau để về bến mới hoặc phải nghỉ việc. Cũng giống như những đồng nghiệp khác, anh Thanh ngại nhất là khi lái phà mà gặp phải sóng to, gió lớn. Đặc biệt, kiểu thời tiết này xuất hiện vào ban đêm thì càng làm cho các lái phà khó khăn hơn vì không thể cập bến. Lúc đó, có nhiều người không thông cảm mà còn chê trách vì cho rằng họ bị chậm trễ công việc cá nhân.
"Làm nghề này cũng như làm dâu trăm họ. Có người chờ lâu hoặc say xỉn thường chửi mắng vì để họ phải chờ lâu. Khách thường nôn nóng muốn được qua phà sớm nên tỏ ra khó chịu mỗi khi gặp sự cố như vậy" - anh Thanh lý giải.
Không muốn anh em nghỉ việc
Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc phà Đồng Tháp, cho biết đã giảm biên chế 13 người (có một số người tự làm đơn xin nghỉ việc) trong tổng số 122 người làm việc tại đây. Trong số này có thợ máy, thợ lái, thủy thủ và một số nhân viên khác. Sau khi thông xe cầu Cao Lãnh, ban giám đốc phà sẽ điều động 78 người về làm việc cho bến phà Phong Hòa - Thới An (quận Ô Môn) và tại TP Sa Đéc. Riêng bến phà Cao Lãnh chỉ giữ lại 19 người cùng với 11 người thuộc bộ phận văn phòng và tổ cơ khí. Để tạo sự công bằng thì sau thời gian hoạt động ở bến mới được từ 6-12 tháng sẽ thực hiện luân chuyển sao cho hợp lý nhất.
"Những người xin nghỉ việc là do lớn tuổi hoặc còn trẻ nhưng không chịu đi làm việc xa nhà để tìm việc khác. Về phía lãnh đạo UBND tỉnh cũng có buổi tiếp xúc và có hướng tạo điều kiện cho anh em tiếp tục làm nên cho thí điểm bến phà này tiếp tục hoạt động trong vòng một năm để chờ đầu tư nâng cấp bến phà Tân Châu - Hồng Ngự chứ không muốn cho anh em nào nghỉ việc" - ông Phước khẳng định.
Phà Cao Lãnh nằm giữa hai bờ sông Tiền, đoạn chảy qua tỉnh Đồng Tháp, phía bờ Bắc thuộc phường 6, TP Cao Lãnh; phía bờ Nam thuộc xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò. Khúc sông tại đây rộng gần 1.000 m.
Lo mất kế mưu sinh
Bà Trần Thị Mỹ Khanh (60 tuổi; có nhà gần bến phà Cao Lãnh) cho biết mới đây chính quyền địa phương có mời họp dân vài lần nói về hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề nghiệp. Đại diện Ban Quản lý dự án cầu Cao Lãnh nói không thể bồi thường cho dân vì không mất mát gì mà chủ yếu thiếu công ăn việc làm. Theo đó, sẽ hỗ trợ cho vay vốn từ quỹ CEP không tính lãi.
"Gần đây nhất, đại diện UBND phường xuống gặp từng hộ dân cho biết khi cầu khánh thành, bà con sẽ được hỗ trợ ngay một phần nào đó nhưng chưa nói cụ thể là bao nhiêu. Dù chưa có cầu nhưng hiện tại có ngày tôi cũng không bán được đồng nào. Giờ tôi đã mua chiếc xe đẩy để nấu sữa đậu hoặc nấu xôi để đem đi bán kiếm sống qua ngày chứ đâu còn cách nào hơn" - bà Khanh lo lắng.
Bình luận (0)