xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Pha Đin đã thành điểm đến

Bài và ảnh: Các Ngọc

Nếu như trước đây, mùa xuân mới đi ngắm hoa đào, hoa mận; rồi tháng 3 ngắm hoa ban, hoa trẩu ở núi rừng tự nhiên thì giờ đây, hoa nở cả 4 mùa với nhiều loài được đưa về trồng trong các khu du lịch trên đèo Pha Đin, mỗi khu vài chục hecta bên sườn núi

Một phần thuộc xã Phỏng Lái (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) và một phần thuộc xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) nên đèo Pha Đin ở vị trí nối liền 2 tỉnh trên Quốc lộ 6. Pha Đin có độ dốc lớn, điểm cao nhất là 1.648 m so với mực nước biển, đường ngoằn ngoèo liên tục, nhiều khúc cua khuỷu tay, cua như chữ Z.

Mỗi mùa mỗi vẻ

Đã vài lần đi cung đường từ Sơn La lên Điện Biên đều qua đèo Pha Đin, nghĩ lại thật hay là mỗi lần đến, chúng tôi được nghe một câu chuyện gắn với đại đèo này và lần sau lại thấy cảnh vật có một vài đổi khác so với lần đến trước.

Hơn 10 năm trước, lần đầu đến Điện Biên, xe chúng tôi qua đèo Pha Đin dài 32 km trên Quốc lộ 6 cũ, nhìn một bên là vách núi, một bên là vực sâu, hơi sợ. Lúc ấy, tìm vị trí dừng xe ngắm cảnh thật khó vì đường đèo hẹp, cua gắt. Thế nên, lần đầu tiên lên tới đỉnh đèo Pha Đin, chúng tôi chỉ dám dừng chụp ảnh, mà phải chụp cho bằng được bức ảnh tại tấm bia ghi dấu ấn lịch sử: "Đây là nơi hứng chịu nhiều trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ". Chỉ tấm bia ấy mới xác định rõ nhất nơi ta đang đứng là trên đèo Pha Đin.

Pha Đin đã thành điểm đến - Ảnh 1.

Điểm tiếp giáp giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên trên đèo Pha Đin

Mỗi mùa, cảnh vật quanh đèo có vẻ đẹp khác nhau. Tháng 3 có thể nói là thời gian đẹp nhất khi hoa ban nở rộ cả núi rừng, bản làng.

Năm 2015, chúng tôi lên Điện Biên vào dịp tỉnh này tổ chức Lễ hội Hoa ban lần thứ hai. Xưa, lễ hội hoa ban, hay còn gọi là lễ hội Xên Mường, rộn ràng ở các bản dân tộc Thái vào tháng 2 âm lịch (tháng 3 dương lịch) khi hoa ban bắt đầu nở, người dân làm lễ cúng cầu cho bản mường no ấm, gia đình hạnh phúc rồi ca hát, vui chơi cùng nhau. Sau một thời gian, nhiều rừng ban bị chặt để trồng hoa màu, hình ảnh hoa ban thưa dần trong các bản, lễ hội hoa ban càng ít được biết đến. Nay, người dân được khuyến khích trồng lại hoa ban, gìn giữ những rừng hoa ban tự nhiên và mang hoa ban về trồng cả trên phố.

Chúng tôi sung sướng ngắm hoa ban nở khắp các sườn núi, thung lũng, bản làng quanh đèo Pha Đin. Lần này, chúng tôi có cảm giác đường đèo rộng, thoáng hơn. Anh tài xế giải thích từ sau năm 2010, hầu như các xe đều qua đường đèo Pha Đin mới được xây bám theo sườn núi phía trái Quốc lộ 6 cũ, tại ngã ba đỉnh đèo, đường chia thành 2 tuyến cũ và mới. Tấm bia mới ghi lại dấu ấn lịch sử năm xưa được dựng ngay ngã ba đỉnh đèo. Đường đèo Pha Đin mới có chiều dài chỉ hơn 26 km, giảm được cả vài chục khúc cua, độ gắt của các cua cũng ít hơn, độ dốc đèo được hạ xuống, mặt đường rộng gấp gần 2 lần so với trước, nên xe lưu thông ít nguy hiểm hơn và có vài chỗ có thể dừng được an toàn.

Cùng xây dựng để phát triển

Lễ hội hoa ban khôi phục lại một nét văn hóa dân gian truyền thống dần bị mai một trong cộng đồng dân tộc Thái ở Tây Bắc, đã trải qua 6 mùa, trở thành "thương hiệu" sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Ðiện Biên. Trong danh mục các di tích lịch sử, thắng cảnh giới thiệu tới khách du lịch, 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La đều đưa đèo Pha Đin vào.

Người dân Lai Châu cũ (nay là huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) và Sơn La lưu truyền câu chuyện từ xa xưa về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của 2 địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin, điểm ngựa gặp nhau sẽ là ranh giới. Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ 2 dốc đèo. Ngựa Lai Châu phi nhanh, vì thế ngày nay Pha Đin có phần đèo thuộc về tỉnh Điện Biên dài hơn phần thuộc về tỉnh Sơn La.

Pha Đin đã thành điểm đến - Ảnh 2.

Những bảng giới thiệu du lịch cho thấy sinh khí mới trên đường đèo Pha Đin

Truyền thuyết dân gian là vậy nhưng đối với người dân 2 địa phương thì Pha Đin như vùng đất chung, cùng xây dựng để phát triển. Chẳng lẽ là một di tích, một thắng cảnh mà đèo Pha Đin cứ mãi là điểm chỉ để xe vượt qua trên đường, khách dừng chốc lát chụp ảnh bia ghi dấu lịch sử và ngắm thoáng qua cảnh vật. Từ trăn trở đó, người dân huyện Thuận Châu và huyện Tuần Giáo đã làm cho cung đường đại đèo vẫn tựa như dải lụa khổng lồ quấn quanh, nối những quả núi lại với nhau, vẫn nhiều khúc quanh ngoằn ngoèo lên xuống đầy ngoạn mục nhưng thay vì là đại đèo chỉ để vượt qua, Pha Đin đã trở thành một điểm đến.

Và lần trở lại Sơn La - Điện Biên năm nay, Pha Đin đã "cuỗm" mất của chúng tôi hơn nửa ngày mà ai nấy còn ấm ức là chưa đủ trải nghiệm cho hết những điều mới lạ ở đây.

Trước kia, trên đường đèo quanh co thỉnh thoảng mới thấy vài ngôi nhà sàn đơn sơ lặng lẽ giữa núi rừng hùng vĩ. Bây giờ, trên cả hai phía dốc cho tới đỉnh đèo Pha Đin, nhà dân nhiều hơn, đặc biệt những tấm bảng dựng cao bên đường với từng cụm từ rất Tây: Pha Đin Pass, Pha Đin Top, Pu Pha Đin… cho khách du lịch có ngay cảm giác một sinh khí mới trên đường đèo.

Thỏa mắt ngắm

Anh Lương Duy Doanh, Trưởng Ban Truyền thông Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, cho biết các khu du lịch Pha Đin Pass, Pha Đin Top, Pu Pha Đin đến nay đã trở thành những điểm đến mà các công ty lữ hành không thể bỏ qua khi đưa du khách đi tuyến từ Sơn La sang Điện Biên.

Nếu như trước đây, mùa xuân mới đi ngắm hoa đào, hoa mận; rồi tháng 3 ngắm hoa ban, hoa trẩu ở núi rừng tự nhiên thì giờ đây, hoa nở cả 4 mùa với nhiều loài được đưa về trồng trong các khu du lịch trên đèo Pha Đin, mỗi khu vài chục hecta bên sườn núi.

Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc tiếng dân tộc Thái là Phạ Đin. Phạ là "trời", Đin là "đất", hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời - đất hùng vĩ. Chúng tôi vào khu du lịch Pha Đin Pass, đứng ở độ cao hơn 1.000 m so mực nước biển, thật sự cảm nhận nơi tiếp giáp giữa trời và đất tuyệt vời như thế nào. Vào đầu hè, thời tiết vùng Tây Bắc đã nóng nhưng trên đỉnh đèo Pha Đin khí trời mát dịu dù nắng ngập tràn.

Pha Đin đã thành điểm đến - Ảnh 3.

Một vườn cà phê ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo

Trong vườn hoa rộng lớn, mọi người vừa được thỏa mắt ngắm biết bao sắc màu hoa rực rỡ vừa nhìn rõ núi đồi trùng điệp xa xa, bản làng dưới thung lũng vừa ngây ngất cảm giác như với tay tới trời khi mây trôi trên đỉnh đèo có lúc quấn quanh mình. Mỗi góc cảnh vật, mỗi khoảnh khắc mây trôi như kéo trời gần với đỉnh đèo đều được mọi người ghi vào máy ảnh đến mỏi tay mà cứ chưa thấy đủ.

Đèo Pha Đin có địa hình núi cao đèo dốc nên chắc chắn quá trình xây dựng không ít gian nan, rồi lựa chọn các loài hoa phù hợp với đất đai, điều kiện khí hậu theo mùa, nhất là nguồn nước tưới hạn hẹp không dễ dàng để chăm sóc, thế mà người dân tạo được những vườn hoa đẹp như thế, thật đáng trân trọng.

Dâng trào năng lượng

Những tưởng Tây Nguyên mới là vùng để đến ngắm hoa cà phê và thưởng thức hương vị cà phê chính gốc vùng trồng. Nào ngờ, ngay dốc đèo phía tỉnh Điện Biên, chúng tôi được vào một không gian kết hợp xưởng rang xay, chế biến cà phê. Quán nhìn ra đồi núi, du khách tha hồ thưởng thức cà phê và ngắm sương mù phả xuống từng đỉnh núi.

Ông Nguyễn Anh Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế, mời chúng tôi dùng cà phê và chia sẻ: "Cà phê Arabica được trồng rất nhiều ở các bản quanh đèo Pha Đin bởi thích hợp với khí hậu và địa hình nơi đây". Tháng 3, tháng 4 là mùa hoa cà phê; tháng 10, 11 là mùa thu hoạch; đó là những khoảng thời gian mà du khách có cơ hội trải nghiệm thêm những điều thú vị ở Pha Đin như ngắm hoa cà phê nở trắng trên đồi hay cùng bà con người Mông thu hoạch cà phê.

Chúng tôi tham quan xưởng chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn HACCP, hiểu được kỳ vọng của những người đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại là muốn cùng người dân Điện Biên và Sơn La tạo dựng hình ảnh cà phê Pha Đin. Không phải là dân sành uống cà phê nhưng thưởng thức ly cà phê nóng thơm ngào ngạt, tôi cũng thấy sảng khoái.

Đã ghé khu du lịch, điểm bán hàng, chúng tôi cứ nhìn xem có gì mua về làm quà mang dấu ấn Pha Đin nhưng chưa thấy. Cho đến khi bước vào khu trưng bày sản phẩm cà phê Hồng Kỳ thì không còn phân vân gì nữa. Bao bì các sản phẩm thật ấn tượng với hình ảnh các cô gái dân tộc Mông đeo gùi thu hoạch cà phê hay hoa văn thổ cẩm, thêm slogan "Dâng trào năng lượng từ đại ngàn Tây Bắc" đầy cảm xúc, đủ thấy sự tự tin hương vị cà phê vùng đèo Pha Đin sẽ chinh phục được khách thập phương. 

Cùng với các đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pí Lèng, đèo Pha Đin nằm trong “tứ đại đèo” (đèo dài, cao và địa hình hiểm trở) của vùng Tây Bắc nước ta. Trước kia, đi qua đèo Pha Đin, dù nhìn thấy cung đường đẹp mê đắm nhưng không mấy tài xế dám thả hồn theo cảnh sắc. Giờ đã khác, Pha Đin trở thành một điểm đến mà nếu khách không được dừng chân ngắm “nơi đất như chạm trời” cho thỏa thích thì tài xế bị chê, công ty lữ hành mất điểm.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo