Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã rút dự thảo quy chế quy định học sinh - sinh viên (HS-SV) CĐ, trung cấp sư phạm các ngành đào tạo giáo viên bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học. Tuy nhiên, theo quy chế công tác HS-SV đối với chương trình ĐH hệ chính quy ban hành năm 2016 đang có hiệu lực thi hành thì SV bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 31-10, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng quy định này rất phản cảm, không phù hợp thực tiễn và phải nhanh chóng loại bỏ. TS Lâm phân tích việc quy định SV hoạt động mại dâm 4 lần mới bị đuổi học cũng đang khiến dư luận hiểu là cho phép SV được bán dâm, mua dâm miễn sao không bị phát hiện tới lần thứ tư.
Quy định sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần bị đuổi học là phản cảm và trái luật. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Lâm cũng nhấn mạnh việc SV mua bán dâm không phổ biến, có thể nói là rất ít. Vì vậy khi xã hội nảy sinh vấn đề pháp lý mới, trở thành hiện tượng phổ biến gây ảnh hưởng lớn tới trật tự, an toàn xã hội thì các cơ quan quản lý sẽ đưa ra các chính sách, biện pháp để điều chỉnh, phòng ngừa, xử lý vi phạm.
"Đằng này Bộ GD-ĐT đưa quy định này vào quy chế khiến dư luận hiểu nhầm rằng SV đi bán dâm là hiện tượng phổ biến" - TS Lâm nhận định và cho rằng Bộ GD-ĐT phải đưa ra những giải pháp mang tính giáo dục chứ không phải xử lý cứng nhắc, sai luật và phản cảm như thế.
Giảng viên một trường ĐH thừa nhận thực tế có thể có một số SV thực dụng, thích hưởng thụ và bị sa ngã, nhưng làm sao có thể biết được SV đi bán dâm lúc nào và bán dâm bao nhiêu lần? Ai sẽ là người phát hiện, đếm số lần SV vi phạm để xử lý? Vì thế, quy định này của Bộ GD-ĐT là quan liêu, xa rời thực tế và cần sớm loại bỏ.
Dưới góc độ pháp luật, một tiến sĩ luật đang công tác tại Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội, cho rằng hành vi mua dâm và bán dâm bị pháp luật nghiêm cấm. Và khi đã cấm thì người hoạt động mại dâm sẽ bị xử lý tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm chứ không thể có lần thứ nhất thì khiển trách hay lần thứ tư mới bị đuổi học như quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo phân tích của vị tiến sĩ này, bộ đưa ra quy định này là làm trái luật vì thông tư do Bộ GD-ĐT ban hành là văn bản dưới luật và không thể trái với Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phòng chống mại dâm. Do đó, quy định này cần loại bỏ.
Bình luận (0)