Khuyến cáo này, báo chí thông tin là được đưa ra sau việc Thanh tra của sở phối hợp lực lượng công an, Phòng Y tế quận Phú Nhuận... kiểm tra tại địa chỉ 134 Phan Xích Long, phường 7, quận Phú Nhuận.
Tại thời điểm kiểm tra, ở địa chỉ nêu trên có bảng hiệu là Viện thẩm mỹ Thùy Dương, bên trong có dòng chữ HELIKES CLINIC by Dr, Huy Binh. Dù có khách hàng tại cơ sở, có trang bị phòng phẫu thuật và có dấu hiệu đang hoạt động nhưng người của cơ sở này chưa xuất trình được chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động cũng như hóa đơn và nguồn gốc một số thuốc, dụng cụ y tế... nên đoàn kiểm tra yêu cầu ngưng ngay việc thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, các dịch vụ liên quan lĩnh vực y tế khi chưa có hồ sơ pháp lý theo quy định.
Mới đầu tháng trước, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng phạt vi phạm hành chính đối với bác sĩ Đinh Viết Hưng 40 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong 6 tháng, do đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề nhưng vẫn hoạt động thẩm mỹ tại một bệnh viện. Trước đó, ông Hưng phẫu thuật nâng ngực cho chị T. tại một bệnh viện thẩm mỹ và nạn nhân tử vong. Cùng thời gian, ông Hưng thực hiện điều tuyệt đối cấm kỵ là hút mỡ bụng cho một phụ nữ đang mang thai 4 tuần tuổi.
Cuối năm 2019, Báo Người Lao Động có loạt bài điều tra "Thâm nhập thế giới làm đẹp" ở TP HCM. Sau đó, Thanh tra Sở Y tế TP kiểm tra và phát hiện một trong những cơ sở báo nêu là Thẩm mỹ viện NT-Korea (quận 3) chưa được cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật.
Tại TP HCM, nếu dẫn ra các trường hợp cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ hay bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực này có những vi phạm đã nêu và bị xử lý trong thời gian qua thì rất nhiều. Điều này cho thấy ngành y tế không bỏ qua các sai phạm đã nêu. Nhưng với việc hết cơ sở hay cá nhân này vi phạm lại đến cơ sở và cá nhân khác vi phạm thì lại cho thấy việc xử lý như đã thực hiện là chưa đủ tính răn đe.
Ở nước ta, người dân khi có nhu cầu làm đẹp thì hầu hết là đến bệnh viện hoặc các cơ sở dịch vụ y tế công khai hoạt động. Đã vào đấy, dù có quyền thì người dân cũng không ai lại đòi hỏi cơ sở y tế phải xuất trình giấy phép hoạt động hay bác sĩ phải chứng minh có đang bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề hay không.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về y tế có đủ ở tất cả các cấp mà vẫn để "lọt lưới" thì người dân thật khó để biết đâu là thật, là giả? Chưa kể TP HCM là nơi luôn được người dân các tỉnh khác ưu tiên chọn lựa để sử dụng dịch vụ y tế.
Cho nên, trong sự phát triển hướng đến mục tiêu thông minh, hiện đại như TP HCM, thì ngành y tế rất cần nghiên cứu, đề xuất những giải pháp quản lý hiệu quả hơn, không chỉ cho việc khám chữa bệnh nói chung, mà phải còn cả những lĩnh vực hẹp như dịch vụ thẩm mỹ.
Người dân cần tìm hiểu rõ ràng, cẩn thận chọn lọc các thông tin quảng cáo... trước khi đến cơ sở y tế. Điều đó là tất nhiên, nhưng chưa đủ, và như đã nói là cũng rất khó. Muốn rốt ráo thì phải giải quyết tận gốc, bắt đầu từ việc vì sao người ta dám công khai hành nghề khi thừa biết điều đó là vi phạm?
Bình luận (0)