Thanh tra bộ đề nghị Trường ĐH Cần Thơ đưa vào danh sách bồi hoàn kinh phí đối với 3 giảng viên là du học sinh và tiếp tục làm thủ tục để thu hồi kinh phí đào tạo đối với 3 giảng viên khác.
Lâu nay, tình trạng vi phạm hợp đồng đào tạo xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, đơn vị phái cử phải yêu cầu hoàn trả kinh phí vì không thực hiện đúng cam kết. Điển hình như năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi nóng lên câu chuyện con của 4 quan chức được cấp kinh phí đi học theo chương trình đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài nhưng không về tỉnh phục vụ như cam kết.
Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi có đề án định hướng đến năm 2015 đào tạo và thu hút 300 thạc sĩ, 20 tiến sĩ trong và ngoài nước. Từ năm 2016 đến 2020, tỉnh cử đi đào tạo và thu hút 350 thạc sĩ, 25 tiến sĩ trong và ngoài nước. Theo đề án, khi kết thúc khóa đào tạo mà người được cử đi học không về công tác ở cơ quan được bố trí hoặc không chấp hành quyết định phân công công tác; bỏ việc, thôi việc, bị kỷ luật khi chưa thực hiện đủ thời gian cam kết phải đền bù kinh phí được hỗ trợ.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 5-2020, con gái của ông giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi đã trả 410 triệu đồng trong 2,05 tỉ đồng buộc phải hoàn trả. Con gái ông nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã trả 120 triệu đồng/2,4 tỉ đồng. Con gái ông nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã trả 170 triệu đồng/3,5 tỉ đồng. Con trai ông Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi đã trả 400 triệu đồng/1,9 tỉ đồng buộc phải hoàn trả.
Tương tự, ở TP Đà Nẵng, hợp đồng có những ràng buộc như quy định thời gian làm việc cho TP Đà Nẵng sau khi trở về, nếu không làm đủ thời gian quy định thì phải đền bù. Trước đây, TP Đà Nẵng quy định mức đền bù gấp 5 lần đối với số tiền ngân sách đã bỏ ra. Nhưng sau đó, tỉnh thực hiện theo nghị định của Chính phủ, các học viên không thực hiện đúng hợp đồng chỉ phải bồi thường bằng số tiền ngân sách đã bỏ ra.
Không chỉ hợp đồng đào tạo trong các chương trình nghiên cứu, học thuật, nhiều người làm trong các doanh nghiệp cũng được cử đi học các khóa nâng cao nghiệp vụ ở trong nước và nước ngoài, với cam kết trở về phục vụ doanh nghiệp trong thời hạn hai bên thỏa thuận, người vi phạm sẽ phải đền bù phí đào tạo.
Những quy định này cũng được Bộ Luật Lao động thể hiện rõ, do đó hơn ai hết, người ký hợp đồng phải giữ chữ tín, tuân thủ cam kết. Trong ứng xử xung quanh hợp đồng này, tính pháp lý phải được đặt lên cao nhất, những ứng xử về tình thì tùy theo trường hợp, song không thể cả nể, nương nhẹ hay du di. Bởi đó cũng là nguồn ngân sách bị thất thoát, là chi phí của doanh nghiệp bị mất đi hoặc không được sử dụng đúng mục đích, yêu cầu.
Trước pháp luật, các bên đều bình đẳng và pháp luật thượng tôn. Vi phạm dù lớn hay nhỏ đều không nên xem nhẹ, chữ tín phải được giữ gìn khi đặt bút ký vào hợp đồng.
Bình luận (0)