Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi tắt là Đề án 922) được UBND TP Đà Nẵng ban hành vào năm 1998 và triển khai vào năm 2004, yêu cầu ràng buộc là học viên phải có thời gian công tác tối thiểu 7 năm sau khi tốt nghiệp.
Chủ trương, mục đích đều rất tốt
Hiện tại, Đà Nẵng đã cử 616 người đi học theo đề án 922, trong đó có 368 học viên bậc đại học, 128 học viên đào tạo bác sĩ, 89 học viên bậc sau đại học, trong đó có 460 học viên đã được bố trí công tác. Trong quá trình công tác, một số học viên được tiếp tục cử đi học ở bậc cao hơn bằng kinh phí tự túc hoặc kinh phí của đề án.
Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết có 93 học viên xin rút khỏi đề án và được chấp thuận, trong đó có 40 người đang công tác. Trong 47 học viên bị buộc ra khỏi đề án có 23 trường hợp không đạt kết quả yêu cầu của đề án, 19 trường hợp vi phạm quy định. Số học viên vi phạm quy định đều bị Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực TP Đà Nẵng (đơn vị thực hiện đề án thuộc Sở Nội vụ) khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi hoàn kinh phí đi học lại cho nhà nước. Đến nay, TP đã khởi kiện 30 người và thu hồi 89 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho hay để giữ chân học viên và cán bộ, công chức (CBCC) có năng lực, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương. Trong đó, chủ yếu là bố trí công việc, giao các công trình, chương trình phù hợp để họ có thể phát huy hết năng lực, cống hiến cho thành phố. Ông Chiến cũng cho hay dù muốn thay đổi nhưng chính sách thu hút nhân tài của Đà Nẵng không thể vượt rào, phá vỡ quy định của nhà nước hiện hành. "Như trước đây, chúng tôi có hỗ trợ mỗi học viên 1 triệu đồng/tháng khi nhận nhiệm vụ nhưng do nhà nước không quy định khoản này nên phải bỏ. Thay vào đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ 1 lần thay vì hỗ trợ từng tháng một để CBCC yên tâm công tác" - ông Chiến nói.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng - nơi có nhiều học viên xin rời khỏi đề án nhất so với các sở, ngành trên toàn TP
Đừng đứng núi này trông núi nọ
Cách đây gần 6 năm, khi đặt bút ký vào đơn xin được trở thành học viên của đề án 922, N.V.N.T (hiện là sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược TP HCM) cho biết bản thân đã không khỏi băn khoăn. T. đậu vào Trường ĐH Y Dược TP HCM với số điểm 29,5 và cha mẹ cùng 2 em ở tỉnh Quảng Nam có đời sống khó nghèo. Biết Đà Nẵng có chính sách "nuôi người tài" và có một ít chỉ tiêu cho tỉnh Quảng Nam, T. tìm hiểu và biết mình trong diện được thu hút để trở thành bác sĩ phục vụ ở các bệnh viện công tại Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp. T. ký vào hợp đồng, cam kết làm việc tại Đà Nẵng tối thiểu 7 năm sau khi ra trường.
"Đến ngày hôm nay, khi sắp tốt nghiệp, em chỉ có băn khoăn là liệu em có được bố trí vào các bệnh viện và tiếp tục học hỏi kinh nghiệm hay không" - T. cho biết.
Chị P.M.D.H hiện đang là phó trưởng một phòng thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho rằng việc các học viên xin rút khỏi đề án là chuyện của mỗi cá nhân học viên và nên tôn trọng quyết định của họ. Đồng quan điểm trên, một học viên của Đề án 922 đang công tác tại một trường ĐH thuộc ĐH Đà Nẵng cho rằng nếu không có sự hỗ trợ của đề án có lẽ học viên không thể tiếp tục theo học ngành nghề mà người này mong muốn.
"Một lớp học ở trường chuyên của tôi ngày nào có rất nhiều bạn đủ điều kiện để trở thành học viên của Đề án 922 tức là được nuôi ăn học miễn phí. Nhưng nhiều bạn trong số đó có gia đình kinh tế khá giả, họ không cần sự hỗ trợ của nhà nước nên không học theo đề án. Còn chúng tôi, một số bạn có hoàn cảnh khó khăn thì phải cậy vào đề án để đi học. Tốt nghiệp được bố trí chỗ làm việc, đó là một điều hết sức tốt đẹp. Theo tôi, không nên đứng núi này trông núi nọ mà tốt nhất nên làm việc hết mình, cống hiến hết mình. Ở đâu cũng vậy, miễn mình làm việc tốt thì sự cống hiến đó không bao giờ là thừa" - học viên này nói.
Chấp nhận bồi thường để ra đi
Là một trong những học viên của Đề án 922 bị TP Đà Nẵng khởi kiện và tòa tuyên bồi thường 1,7 tỉ đồng kinh phí du học tại Pháp để lấy tấm bằng kỹ sư, L.T.A từng được bố trí công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, do công việc không phù hợp với năng lực cũng như tấm bằng đại học mà A. đã dày công đèn sách, nên A. quyết định dứt áo ra đi để tiếp tục tự học và làm việc ở nước ngoài, chấp nhận bồi hoàn tiền tỉ. Bà L.T.P, mẹ học viên A., cho hay những ngày tháng A. còn làm việc ở Sở Thông tin và Truyền thông, bà chứng kiến cảnh con chán chường với môi trường làm việc, thất vọng và có nhiều nuối tiếc. "Con tôi không hề chê nơi làm việc nhưng theo nó, môi trường làm việc đó không phù hợp, không thích nghi được với một kỹ sư như nó. Nếu tiếp tục làm việc, con tôi cũng sẽ không đóng góp được gì nhiều mà năng lực có thể đi xuống. Chính vì thế, gia đình tôi cũng chấp nhận quyết định cho con ra đi dù biết khoản tiền bồi thường là quá lớn với gia đình" - bà P. tâm sự.
. Ý KIẾN:
. Ông VÕ NGỌC ĐỒNG, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng:
Nâng cao trình độ những người đã đào tạo
Trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tổ chức lấy ý kiến, nắm bắt tâm tư của các học viên đề án đồng thời tổ chức đối thoại với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng. Thời điểm hiện tại đang thực hiện tinh giản biên chế, TP phải chọn lựa kỹ càng trong việc đưa người đi học, bên cạnh đó phải tập trung vào những người đang làm việc theo đề án, trong đó có việc cho học cao hơn hoặc tổ chức các khóa bồi dưỡng. Tinh thần chủ yếu của đề án sắp tới là không tăng số lượng người mà tập trung nâng cao trình độ của những người đã đào tạo.
. Ông BÙI VĂN TIẾNG, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng:
Nỗi buồn và cũng là nỗi đau chung!
Chuyện hơn 40 học viên đang làm việc ở các sở, ban ngành của Đà Nẵng xin thôi việc và chấp nhận bồi hoàn tiền tỉ theo tôi là một điều không mong đợi. Chính quyền TP sử dụng tiền thuế của người dân để làm chi phí đưa học viên đi đào tạo, đào tạo xong học viên có nghĩa vụ phải làm việc trong khu vực công mấy năm như đã thỏa thuận trước khi đi học, xong nghĩa vụ ấy thì tiếp tục ở lại hay nói lời chia tay tùy thuộc hoàn toàn vào sự lựa chọn của từng học viên. Nếu những học viên thật sự có tài năng rời bỏ khu vực công, họ vẫn có thể tiếp tục đóng góp chất xám cho khu vực tư sau khi đã bồi thường chi phí đào tạo - tiền thuế của dân - theo quy định hiện hành. Thậm chí, nếu họ rời bỏ Đà Nẵng để đến làm việc ở các địa phương khác trong nước hay ở nước ngoài và có cống hiến thật sự thì Đà Nẵng vẫn được tiếng là cái nôi nuôi dưỡng tài năng.
Khởi kiện hoặc trách cứ những học viên vi phạm hợp đồng đào tạo dẫu hợp pháp lý và đạo lý đến mấy thì cũng là nỗi buồn, thậm chí nỗi đau của chính quyền Đà Nẵng nói riêng, của người Đà Nẵng nói chung. Cũng cần thấy hết nguyên nhân từ hai phía trong câu chuyện này. Chẳng hạn chưa tận dụng hết chất xám cũng là chảy chất xám nhưng nguyên nhân chính nằm ở phía người sử dụng lao động.
. Anh N.V.N, công tác tại một sở ở TP Đà Nẵng:
Phải tuân thủ các cam kết đã ký
Mỗi chính sách khi áp dụng vào thực tế sẽ không tránh khỏi những hạn chế. Nhưng theo tôi, Đề án 922 đã mang lại nhiều điều tích cực. Chẳng hạn đã có hàng trăm người tốt nghiệp và làm việc cho TP. Con số ít còn lại xin rút khỏi đề án vì nhiều lý do mà chúng ta có thể nghĩ đó là lý do khách quan. Bản thân tôi cũng như nhiều học viên tham gia đề án luôn ý thức được rằng mình đã nhận được nhiều ưu đãi của TP nên điều trước tiên chúng tôi làm là tuân thủ cam kết, hết mình vì công việc, thích nghi với môi trường làm việc để có thể cống hiến tốt nhất cho TP.
Bình luận (0)