Nhiều ngày đi thực tế trên một số tuyến xe buýt, chúng tôi ghi nhận thực trạng khiến nhiều người bức xúc chủ yếu là thái độ, cung cách phục vụ của tài xế, tiếp viên chứ không chỉ đơn thuần là chất lượng phương tiện.
Xe cũ, chạy bạt mạng: Ai đi?
Lên chiếc xe buýt số hiệu 56, xuất phát từ Bến xe Chợ Lớn (quận 6) về Trường ĐH Giao thông Vận tải (quận 9) trưa 28-11, đập vào mắt chúng tôi là đủ loại vật dụng như chổi, thùng nước, bọc ni-lông, thậm chí cả các đồ dùng như tô, chén thức ăn cũng được chất ngổn ngang trên sàn hoặc dọc thành xe. Đáng nói, khi vừa ra khỏi bến được vài phút, tài xế tay vừa cầm vô lăng vừa vô tư châm thuốc lá, phì phèo nhả khói dù lúc này đã có hơn 10 hành khách trên xe. Tất cả đều bịt khẩu trang kín mít để tránh mùi nhưng không ai dám phản ứng. "Chuyện này diễn ra thường xuyên, nói ra có khi còn bị mắng bởi trước đây từng có trường hợp như vậy nên giờ đành phải chịu thôi" - Hoàng Dũng, một sinh viên có mặt trên xe buýt, nói.
Chiếc xe buýt số 56 vừa xuống cấp vừa nhếch nhác với đủ loại vật dụng của nhà xe. Ảnh dưới: Tài xế chiếc xe buýt số 56 vừa điều khiển xe vừa thản nhiên hút thuốc khi rời Bến xe Chợ Lớn trưa 28-11
Xe đón khách mỗi lúc một đông và nhiều thời điểm hành khách đứng chật kín nên mỗi khi tài xế thắng gấp hoặc rồ ga tăng tốc, tất cả đều chao đảo, chúi hẳn về một bên. Nhiều người khi lên xuống trạm dừng, nếu không nhanh chân và không bám vào các thanh giữ phía trên thì rất dễ trượt ngã khi chỉ vài giây là chiếc xe đã chuyển bánh. Suốt lộ trình di chuyển qua nhiều tuyến đường, dù phía trước các phương tiện bị ùn ứ, không thể di chuyển nhưng tài xế chiếc xe buýt này vẫn liên tục bóp còi, kèn cựa từng chút không gian để lưu thông. Nhiều người chạy xe máy phía dưới khi nghe những hồi còi kéo dài như thúc giục đều phải dạt ra ngoài, nhường đường cho chiếc xe buýt. Bi hài hơn, khi chiếc xe này đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) thì nam tiếp viên ngủ gật và chỉ thức dậy khi bị đánh thức bởi một nữ sinh viên gọi mua vé tại đoạn qua tuyến xa lộ Hà Nội.
Tiếp tục đón chiếc xe buýt số hiệu 141 từ trạm dừng trên đường Lê Văn Việt (đoạn gần ngã tư Thủ Đức) tới đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9), chúng tôi cũng chứng kiến những hình ảnh tương tự. Nội thất xe cũ nát, còn phía ngoài cũng chẳng khá hơn khi nham nhở các vết bong tróc, sứt mẻ. Xe chạy ầm ầm, bóp còi inh ỏi dù các tuyến đường Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh khá hẹp, trong khi xe tải, xe container cũng dày đặc khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Tương tự, nhiều tuyến xe buýt khác như 19, 20... ngoài việc xe đã cũ nát, nhiều người thường xuyên đi lại còn phản ánh một số tài xế, tiếp viên có thái độ không chuẩn mực, thường xuyên bỏ trạm, chạy ẩu và những tuyến xe này cũng chưa bảo đảm an ninh, nhất là tuyến số 19.
Xe mới: Cần thái độ tốt
Trong khi đó, ghi nhận trên tuyến xe buýt số hiệu 33 - một trong những tuyến đã được thay mới bằng loại phương tiện sử dụng khí CNG (nhiên liệu sạch) - chất lượng dịch vụ hiện đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ghi nhận trên 2 phương tiện của tuyến xe này, gồm một chuyến xuất phát từ khu ĐHQG (quận Thủ Đức) tới Bến xe An Sương (quận 12) và chuyến thứ 2 theo lộ trình ngược lại hôm 26-11, thái độ phục vụ của đội ngũ tài xế, tiếp viên khá khác nhau. Trên chuyến thứ nhất, nữ tiếp viên tận tình chia sẻ các thông tin liên quan đến lộ trình tuyến xe cũng như thời gian những chuyến chuyên phục vụ người khuyết tật khi được hỏi. Ngoài việc loa thông báo phát đều đặn khi xe sắp ghé trạm, tài xế và tiếp viên cũng rất thân thiện hướng dẫn hành khách.
Tuy nhiên, trên chuyến xe ngược lại từ Bến xe An Sương về ĐHQG khi chuẩn bị xuất bến, một sinh viên dắt người khiếm thị tới hỏi nam tiếp viên trên xe này về vị trí đỗ của tuyến số 122, để giúp người khuyết tật đi cùng lên xe thì nam tiếp viên tỏ thái độ thờ ơ, không thèm nhìn lại và chỉ ngoắc tay chỉ hướng. Nam sinh viên do chưa xác định được vị trí và hỏi lại thì người tiếp viên vừa chỉ tay vừa bực dọc trả lời: "Ở phía kia! Nãy nói vậy mà không hiểu hả?".
Trở lại khu ĐHQG, trái với thái độ thân thiện của nữ tiếp viên chung tuyến trước đó, người nam nhân viên chiếc xe này nhiều lần có thái độ hậm hực khi hành khách hỏi thông tin hoặc chưa kịp chuẩn bị tiền lẻ để mua vé, đưa các tờ tiền như loại có mệnh giá 20.000 đồng. Trước thái độ như trên, nhiều hành khách đều ngán ngẩm ngồi im. "Phương tiện là vấn đề quan trọng nhưng theo tôi, để cải thiện chất lượng cho xe buýt thì yếu tố cốt lõi chính là những người phục vụ hành khách mỗi ngày, cụ thể là đội ngũ tài xế, tiếp viên. Nếu họ có thái độ thân thiện, phục vụ hành khách bằng sự nhiệt tình thì nhiều người sẽ chọn xe buýt làm phương tiện chính để đi lại" - chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ quận 3) chia sẻ.
Tương tự, ở một tuyến xe buýt có trợ giá đã thay mới tuyến số 76, 51... dù chất lượng dịch vụ đã được ổn định hơn nhưng nhiều người phản ánh cần phải tiếp tục cải thiện thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên. Theo lời một sinh viên: "Tôi từng chứng kiến có trường hợp một sinh viên năm nhất bị lái xe mắng thậm tệ do chưa quen hình thức mua vé tự động. Sinh viên này do không biết, khi vào ghế ngồi thì bị tài xế chửi là quỵt vé. Nếu chú tài xế đó hướng dẫn nhẹ nhàng, thân thiện hơn thì không khiến ai trên xe phải khó chịu, buồn phiền".
Kỳ tới: Kỳ vọng gì từ xe buýt mẫu?
Đã thay mới hơn 1.100 xe buýt
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng - Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết hiện TP đã thay được hơn 1.100 xe buýt trong đề án thay mới 1.680 xe, số còn lại dự kiến sẽ hoàn thành hết năm 2017.
Ông Trung cũng thông tin thêm hiện đơn vị này đang triển khai lắp đặt khoảng 4.000 camera quản lý 3.000 xe buýt, nhằm theo dõi thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên cũng như giám sát an ninh trật tự trên xe.
Bình luận (0)