Trong bài "Mắt thần vào cuộc giám sát đô thị" đăng ngày 4-12, Báo Người Lao Động phân tích lợi thế của việc gắn camera làm cơ sở xử lý các hành vi tiểu bậy, xả rác bừa bãi. Từ đó, hướng tới xây dựng đô thị văn minh cả về hạ tầng lẫn ý thức công dân.
Xả rác, tiểu bậy đương nhiên rất đáng phê phán song xử lý sao cũng cần căn cứ theo tình huống và định lượng. Nơi công cộng giữa trung tâm khác với một góc công viên hẻo lánh gần ngoại thành. Hàng chục ký xà bần, giấy lộn, gốc rau củ là rác nhưng một vỏ kẹo cao su cũng là rác. Tiểu nghênh ngang hay cầm lòng rón rén "són" một ít xuống gốc cây cũng là tiểu bậy. Ngoài ra, camera sẽ gây khó cho lực lượng truy lùng nếu chỉ có hình ảnh đối tượng từ phía sau lưng.
"Phạt nguội" ít nhất phải lường trước những tình huống trên để có các giải pháp khoa học, vừa bắt đúng người, đúng lỗi vừa không để lọt nhằm tạo sự công bằng trong áp dụng chế tài đối với tất cả cá nhân vi phạm.
Một biện pháp bắt buộc đi cùng với giám sát qua camera đó là chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong ứng xử với môi trường, với không gian văn minh cũng như bộ mặt của chính họ.
Bên cạnh đó, cần thêm nhà vệ sinh công cộng. Hệ thống các điểm tập kết, thu gom rác thải cũng nên được tính toán lại sao cho hợp lý, trách nhiệm và hiệu quả nhất...
Quyết liệt, nhịp nhàng và đồng bộ giải pháp... là yêu cầu của bất cứ ai tâm huyết với sự xanh, sạch, lịch thiệp của thành phố gửi đến cơ quan chức năng trong vấn đề giảm thiểu hành vi phản cảm nơi công cộng.
Bình luận (0)