Ngay sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, dư luận lại một lần nữa đặt ra vấn đề minh bạch tài sản của cán bộ.
Vừa qua, Ban Bí thư ban hành Quyết định 99 với Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Hướng dẫn khung nêu rõ những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết, góp ý, giám sát, trong đó có bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.
Đề cập vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng Hướng dẫn khung vừa ban hành của Ban Bí thư yêu cầu công khai tài sản của cán bộ để dân giám sát là vô cùng cần thiết trong bối cảnh một số vi phạm của cán bộ cấp cao vừa được chỉ ra thời gian qua. Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ ở kỳ họp Quốc hội đang diễn ra cũng đề cập vấn đề kê khai tài sản, kiểm soát tài sản vẫn còn hình thức. Nguyên do là cách làm chưa đến nơi đến chốn. Trước hết, cán bộ kê khai còn thiếu trung thực. Kế đến, cơ quan đứng ra tổ chức kê khai tài sản chưa làm triệt để, làm xong không công khai, không xử lý, chỉ kê khai cho xong việc.
"Trong quá trình kê khai tài sản cán bộ, các cơ quan đứng ra tổ chức cần làm rõ được tài sản hợp pháp và tài sản không hợp pháp. Tài sản hợp pháp như Hiến pháp ở trên đã nêu, còn tài sản không hợp pháp của cán bộ có thể đến từ nhiều nguồn: từ tham ô, tham nhũng, từ vi phạm pháp luật, từ chia sẻ lợi ích nhóm…" - ông Phúc nhìn nhận.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương, cho rằng hiện nay có một thực tế: Chỉ tài sản nhỏ cán bộ mới kê khai, những tài sản lớn thường bị "ẩn" đi bằng nhiều hình thức như đứng tên người thân gia đình hay đầu tư làm ăn kinh tế. Trong khi đó, chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát tài sản của người thân cán bộ.
Theo ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, công khai tài sản của lãnh đạo để người dân giám sát là phù hợp với thực tiễn, cần phải thực hiện ngay và làm quyết liệt. Việc kê khai tài sản cán bộ, chúng ta đã thực hiện nhưng sắp tới cần công khai, minh bạch bản kê khai thì có thêm cơ chế giám sát từ phía người dân.
"Điểm quan trọng nhất trong việc kê khai tài sản là mỗi cán bộ cần phải trung thực, tự giác và có trách nhiệm cao. Nếu cán bộ không trung thực thì tài sản "ngầm" rất khó phát hiện. Chúng ta cũng đã có những quy định về việc xử lý các trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực" - ông Đạt nhìn nhận.
Ông Phạm Sỹ Quý có thể bị giáng chức
Về những sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý, ông Phạm Trọng Đạt cho biết ông Quý là người đứng đầu cơ quan thì phải gương mẫu trong công tác kê khai tài sản, nếu không trung thực thì sẽ bị xử lý bằng các hình thức kỷ luật hành chính.
Ông Quý còn vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng nên Thanh tra Chính phủ đã đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh. Mức kỷ luật có thể là khiển trách và mức cao là giáng chức. Tuy nhiên, mức kỷ luật như thế nào thuộc thẩm quyền của tỉnh Yên Bái.
Bình luận (0)