Là vị “tư lệnh” ngành thứ tư đăng đàn, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Quốc hội ngày 12-6.
Cán bộ về hưu có nhiều tài sản
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh nêu quan điểm về khối tài sản lớn của một phó tổng TTCP. Cùng mối quan tâm, ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) và ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cùng đề nghị làm rõ thông tin báo chí nêu về khối tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng TTCP và ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP.
Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết TTCP đã chủ động yêu cầu ông Ngô Văn Khánh báo cáo sự việc trước Ban Cán sự Đảng về nguồn gốc tài sản và việc kê khai tài sản từ năm 2007 tới nay. “Đối chiếu lại, chúng tôi thấy ông Khánh kê khai tài sản đúng pháp luật. Ông Khánh thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc nắm tình hình và đối chiếu tài sản trong bản kê khai. Mức độ đúng đắn thế nào sẽ có kết luận sau” - ông Tranh nói.
ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) phản ánh việc một số cán bộ sau khi nghỉ hưu đã lòi ra rất nhiều tài sản nhưng không biết việc kiểm soát tài sản đối với những đối tượng này được thực hiện như thế nào.
“Tư lệnh” ngành thanh tra cho hay ông Trần Văn Truyền giữ chức vụ tổng TTCP giai đoạn 2006-2011. Sau khi về hưu, ông Truyền vẫn thuộc diện cán bộ do Ban Bí thư quản lý, việc sinh hoạt Đảng cũng được chuyển về tỉnh Bến Tre. Ban Bí thư đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương nắm tình hình. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo dõi về tài sản của ông Trần Văn Truyền” - ông Tranh công bố.
Trả lời chất vấn của ĐB Bùi Thị An về việc bổ nhiệm 60 cán bộ tại TTCP thời gian qua, ông Huỳnh Phong Tranh thừa nhận có sơ suất khi nhiều cán bộ chưa đủ thời gian công tác, số lượng cán bộ được bổ nhiệm nhiều hơn quy định, chứng chỉ và điều kiện năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện TTCP đã kiểm điểm và điều chỉnh lại việc bổ nhiệm, tuyển dụng.
Tham nhũng nhiều, thu hồi ít
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn báo cáo của TTCP trong năm 2011 phát hiện 150 vụ có dấu hiệu tham nhũng và 320 người, năm 2012 phát hiện 89 vụ và 107 người, năm 2013 phát hiện 80 vụ và 90 người.
“Nhìn vào số liệu đó có thể nhận định tham nhũng đã bị đẩy lùi hay kết quả thanh tra phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ngày càng hạn chế?” - ĐB Hiến nêu ý kiến.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tỉ lệ thu hồi chiếm khoảng 12%-15% trong tổng số tài sản phát hiện do tham nhũng. Hành vi tham nhũng hết sức đa dạng, ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, trong cơ chế xin cho, kiểm soát quyền lực... Tham nhũng “vặt” cũng đang hoành hành khi tiếp xúc với công dân, doanh nghiệp.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), cử tri phản ánh thanh tra phát hiện nhiều vụ có dấu hiệu phạm tội đã không được chuyển cơ quan điều tra hoặc chuyển chậm. Trả lời, ông Tranh cho hay 3 năm qua, cơ quan thanh tra đã chuyển hơn 200 vụ với hơn 240 người; riêng TTCP chuyển 44 vụ. “Mức độ này chưa tương xứng với yêu cầu, thời gian tới cố gắng thực hiện các nội dung của kết luận thanh tra công tâm hơn, hạn chế được tiêu cực, bỏ lọt tội” - ông Tranh hứa.
Đà Nẵng đang xử lý vụ sai phạm 3.400 tỉ đồng
ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết vừa qua TTCP đã kết luận về sai phạm trong quản lý đất đai ở Đà Nẵng gây thất thoát 3.400 tỉ đồng nhưng UBND TP Đà Nẵng đã phủ nhận. Tổng thanh tra cho biết kết luận sau đó có được thay đổi gì không và đến nay đã thực hiện như thế nào?
Ông Huỳnh Phong Tranh khẳng định UBND TP Đà Nẵng đã thực hiện kết luận thanh tra và những ngày gần đây, Đà Nẵng có một báo cáo cho biết đang thực hiện 7 vấn đề, trong đó có việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các chủ tịch, phó chủ tịch... thời kỳ 2003-2011; đồng thời thực hiện các nội dung mà TTCP đã kết luận. UBND TP Đà Nẵng cũng cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc ý kiến của Thủ tướng để kết luận thanh tra có hiệu lực, hiệu quả tốt hơn.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM):
Một mình Bộ Tư pháp không làm được
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nắm bắt được vấn đề và trả lời thẳng thắn, nhìn nhận khuyết điểm và hứa khắc phục. Thời điểm này, Hiến pháp mới ban hành còn việc hệ thống pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm thống nhất là vấn đề lâu dài chứ không thể làm được ngay. Tình hình thực tiễn rất sinh động, đòi hỏi hệ thống pháp luật không ngừng chuyển động để đáp ứng. Song tôi nghĩ vấn đề con người. Bộ trưởng cũng đã đưa ra giải pháp và QH có nghị quyết tổng kết để QH nhiệm kỳ sau tiếp tục chứ một mình Bộ Tư pháp không thể làm được.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):
Cơ chế tạo ra tham nhũng “vặt”
Tôi chưa hẳn đồng tình với phần trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ về tình trạng tham nhũng “vặt”.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến lãng phí, tham nhũng “vặt” tồn tại trong đời sống xã hội. Trước hết là do cơ chế và tiếp đến là do chế tài. Ở nước ta, chế tài xử lý không nghiêm, việc xử lý hành chính chưa được hình sự hóa cộng thêm tâm lý dễ cho qua nên lãng phí, tham nhũng “vặt” đương nhiên tồn tại. Tham nhũng có rất nhiều dạng được coi là nhỏ nhưng lại rất lớn trên góc độ nhìn nhận của người dân. Chỉ một việc tham nhũng “vặt” như lấy xe công tổ chức cho gia đình đi du lịch hơn 10 ngày đã mất cả chục triệu đồng. Những chuyện như vậy nghĩ là nhỏ nhưng tích tiểu thành đại.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên):
Cần xử lý cơ quan ban hành văn bản sai
Đến nay, chưa có bộ, ngành nào phải chịu trách nhiệm về việc nợ đọng văn bản hoặc ban hành văn bản sai luật. Những văn bản vi phạm Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã nêu rõ địa chỉ, mỗi bộ, ngành nào nợ đọng hay ban hành bao nhiêu văn bản có vấn đề. Hy vọng sau phiên chất vấn, Chính phủ sẽ có biện pháp quyết liệt hơn, kể cả việc xử lý trách nhiệm của một vài cá nhân mà có tính chất điển hình để rồi việc nợ đọng văn bản và ban hành văn bản trái luật phải được khắc phục.
T.Dũng-T.Kha ghi
Bình luận (0)