Lý do bề nổi có thể hiểu là do vấn đề khá phức tạp về mặt kỹ thuật, cần có thời gian để phân tích thêm. Nhưng nguyên nhân thực tế ai cũng thấy đó là phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định vì dù quyết định kiểu gì cũng đụng chạm rất lớn, rất sâu vào quyền lợi của các bên.
Nói đơn giản cho dễ hiểu, Nghị định 116 và Thông tư 03 đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo đối với các hãng ô tô về việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam, trong đó có nhiều quy định mà các nhà nhập khẩu cho là vô lý, trái thông lệ quốc tế và không thể nào đáp ứng được. Bằng chứng là vì rào cản Nghị định 116 mà từ ngày 1-1-2018 đến nay, không một chiếc ô tô nào được nhập về Việt Nam. Các nhà nhập khẩu ô tô còn cho rằng Nghị định 116 là lá bùa bảo hộ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp ô tô trong nước cho rằng Nghị định 116 và Thông tư 03 không quá ngặt nghèo như các nhà nhập khẩu ô tô kêu ca; đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định quá trình xây dựng và ban hành Nghị định 116 là có cơ sở và phù hợp thông lệ quốc tế.
Vậy ai đúng trong câu chuyện này?
Trước hết, phải nói rằng những quy định chi tiết trong Nghị định 116 và Thông tư 03, các nhà nhập khẩu ô tô như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được, như chứng nhận kiểu loại xe từ nước ngoài, quy định về độ dài đường thử, kiểm tra theo lô (thay vì kiểm tra chỉ một chiếc)... Thế nhưng, họ xem đây là những quy định rắc rối, bất khả thi, một số hãng ô tô tuyên bố ngưng nhập xe hơi nguyên chiếc và gây áp lực lên các nhà quản lý Việt Nam nhằm thay đổi quy định.
Nếu xét thấy quá trình ban hành luật, cụ thể là Nghị định 116 và Thông tư 03, là đúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, phía Việt Nam cần kiên định bảo vệ hai thiết chế pháp lý này, qua đó hướng đến mục tiêu tối thượng là bảo vệ thị trường trong nước và người tiêu dùng nội địa.
Hơn 20 năm qua, quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam thất bại và chúng ta trở thành mảnh đất béo bở cho các nhà nhập khẩu ô tô. Họ không chịu sức ép phải mở nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam mà mở ở các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia..., sản xuất ô tô thành phẩm rồi xuất nguyên chiếc sang Việt Nam, bán và thu lợi đầy túi. Thử hỏi, nếu cứ như thế thì công nghiệp phụ trợ Việt Nam làm sao phát triển, nếu cứ như thế thì chiến lược công nghiệp ô tô biết bao giờ mới tới đích, nếu cứ như thế thì mục tiêu tạo công ăn việc làm cho lao động bản địa làm sao thành hiện thực...; đó là chưa nói động lực của các nhà sản xuất ô tô trong nước bị triệt tiêu dần. Thực tế ấy tạo nên sự bất công đáng kể đối với các nhà sản xuất ô tô trong nước.
Do đó, phải có hành lang pháp lý phù hợp để tạo sân chơi công bằng cho các bên. Cứ tin rằng nếu phía Việt Nam vẫn kiên định với Nghị định 116 và Thông tư 03, các nhà nhập khẩu ô tô sẽ không bao giờ từ bỏ thị trường đang có gần 100 triệu dân với chỉ 2,8 triệu chiếc ô tô này, mà họ sẽ phải chuyển sang sản xuất, lắp ráp, tăng tỉ lệ nội địa hóa thiết bị, linh kiện ô tô lên song vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm để duy trì lợi nhuận.
Nếu mình làm đúng thì hà cớ gì phải sợ!?
Bình luận (0)