Chính phủ cần hoạt động theo mô hình tổng lực (Whole-of-Government). Giai đoạn Đổi mới 1 (1986-2015), chúng ta đã tìm ra "bàn tay vô hình" của thị trường giúp cả nền kinh tế trở nên sống động. Những điểm nổi bật trong giai đoạn này là thức dậy về tư duy; cởi trói về cơ chế; mạnh dạn trong hội nhập, thích ứng với đổi thay.
Giai đoạn Đổi mới 2 (2016-2045), cần nâng tầm chiến lược trong nỗ lực cải cách bằng cách tiếp tục phát huy "bàn tay vô hình" trong thể chế, làm cho người cán bộ cùng hết lòng hết sức với công việc như nông dân trên đồng ruộng và doanh nhân với doanh nghiệp.
Điều này thể hiện ở sự trỗi dậy về tầm nhìn; xây dựng nền tảng thể chế cho một quốc gia hùng cường, một xã hội hiện đại, văn minh và phát huy sức mạnh tổng lực của cả dân tộc nhằm đưa đất nước đến vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Thể chế đó phải làm sao để doanh nhân cùng Chính phủ giải các bài toán lớn của sự phát triển. Doanh nghiệp cần cạnh tranh trong nỗ lực phát triển hệ sinh thái hơn là cạnh tranh giành giật. Người lao động cần được ưu đãi nhiều về đào tạo, tăng lương hơn là tăng ngày nghỉ và giảm giờ lao động.
Trong nghị quyết về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Có 4 trụ cột trọng tâm của cải cách là thị trường, thể chế, con người và văn hóa. Việt Nam đang có những động lực phát triển tiềm tàng như khát vọng và ý chí dân tộc đã được hun đúc từ ngàn đời; đất nước với 100 triệu dân và nằm ở vị trí chiến lược. Những điều này cần được thúc đẩy, kiến tạo thành sức mạnh nền tảng với tầm nhìn thời đại. Trong khi đó, động lực thời cơ cho nền kinh tế là đà thắng lợi của công cuộc đổi mới, thời kỳ dân số vàng và bước ngoặt trong kỷ nguyên mới.
Để biến những động lực này thành cơ hội thực tiễn, cần nắm bắt quyết liệt với sức mạnh tổng lực. Dù vậy, muôn vàn thách thức đòi hỏi những nỗ lực cải cách vượt bậc. Để vượt qua, các nhà hoạch định chính sách cần nắm bắt xu thế toàn cầu, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với kỳ vọng tạo ra bước tiến vượt bậc trong công cuộc phát triển. Như việc sử dụng sâu rộng các công nghệ thông minh để tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng cuộc sống; kiến tạo hệ sinh thái; thu thập và khai thác dữ liệu lớn nhằm tăng khả năng phân tích, dự đoán và nâng cao chất lượng ra quyết định.
Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau. Muốn đi tới tầm nhìn khát vọng thì phải vượt lên chính mình với sức mạnh cộng hưởng.
Bình luận (0)