Người đứng đầu xã này giải thích là số tiền trên nằm trong kinh phí xây dựng nông thôn mới (NTM) mà mỗi gia đình phải đóng nhưng được tách ra thành 2 khoản, thu từ hộ gia đình (830.000 đồng) và thu qua học sinh (400.000 đồng). Nhưng phụ huynh cho rằng họ bị ép buộc dù không đồng thuận với cách thu này, không thể gán cho học sinh nghĩa vụ xây dựng NTM; giáo viên cũng không đồng tình nhưng lãnh đạo xã vẫn bất chấp.
Huy động vốn trong dân là điều có thể hiểu được nhưng không phải bằng cách bắt chẹt học sinh còn ở lứa tuổi nhỏ dại, để qua đó buộc gia đình người dân phải đóng tiền cho bằng được dù còn nghèo khó. Việc làm này gây phản cảm trong mắt người dân đối với chương trình lớn và quan trọng như xây dựng NTM.
Cũng cách đây chưa lâu, trưởng công an xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đã hùng hổ đá tung những món hàng còm cõi của người dân nơi đây khi họ buôn bán ở lề đường. Những món hàng chẳng nhiều tiền nhưng nó cũng đủ cho họ chạy gạo nuôi gia đình qua bữa. Dù sau đó, vị trưởng công an này đã xin lỗi và cho rằng do quá bức xúc trước việc người dân lấn hè đường buôn bán, nhưng lời xin lỗi trên cũng không đủ xoa dịu dư luận.
Một sự gây bức xúc khác, lực lượng chức năng phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM đã đưa 2 cô gái đang uống cà phê vào trung tâm bảo trợ xã hội chỉ vì họ không mang chứng minh nhân dân. Vụ việc đã được chấn chỉnh nhưng gây không ít sóng gió dư luận xã hội.
Xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ, nhất là cán bộ cấp gần dân nhất lại là việc khó. Những hình ảnh đó cũng dễ dàng bị xóa bỏ nếu vẫn còn những người hành xử tùy tiện và o ép người dân khi ảo tưởng trong tay mình có đủ quyền hành. Những nỗi lo lắng này đã được các cấp, các cơ quan trung ương nhìn thấy và đã có rất nhiều chương trình đào tạo cán bộ cấp phường, xã. Tuy nhiên, có quá nhiều lý do, quá nhiều quy định để những cán bộ thực sự có năng lực, tâm huyết, gần gũi và hiểu dân không được ngồi đúng vị trí mà mình được đào tạo.
Chính quyền cấp xã, phường chính là nơi trực tiếp tiếp xúc, nắm bắt nguyện vọng và hiểu rõ người dân cần gì, hưởng thụ được gì từ các chính sách lớn của xã hội. Cuộc sống của họ cũng chính là tấm gương phản chiếu hiệu quả làm việc của cả bộ máy nhà nước. Bởi vậy, thông tin từ đây chính là nguồn chủ yếu, căn bản để xây dựng các chương trình quản trị quốc gia. Nếu cán bộ cấp địa phương này quan liêu, hách dịch, không nắm rõ nhu cầu, nguyện vọng của người dân sẽ dẫn đến dễ làm sai lệch các chính sách lớn của quốc gia. Và ngược lại, người dân nhìn vào những cán bộ này để đánh giá hiệu quả cả bộ máy nhà nước.
Một cỗ máy bị ngừng trệ đôi khi chỉ vì hỏng hóc từ chiếc đinh vít. Những chương trình xã hội lớn có thể giảm tác dụng chỉ vì những người thừa hành ở cấp dưới kém cỏi và tùy tiện.
Bình luận (0)