Máy bay quân sự Shaanxi Y-8 xuất hiện trên đường băng tại căn cứ do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Xubi hồi tháng 4 - Ảnh: AMTI
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 8-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của Việt Nam trước việc một số phương truyền thông vừa qua đưa tin Trung Quốc tuyên bố khai trương một số trạm khí tượng ở 3 đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Trường Sa?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng, cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng, cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nói trên, tuân thủ nghiêm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết những vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc và Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh ổn định ở biển Đông và khu vực cũng như những nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Bà Hằng cũng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xử lý việc bản đồ hiển thị trên ứng dụng dự báo thời tiết Windy đang chú thích sai về địa danh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, với tên gọi “Tam Sa", thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, Trung Quốc ngày 31-10 đã ngang nhiên mở cửa các trạm khí tượng đặt trên Đá Chữ Thập, Đá Xubi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 1-11 nói rằng các trạm khí tượng này sẽ được sử dụng nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trên biển Đông, song nhiều ý kiến cho rằng các trạm khí tượng này có thể dùng cho mục đích quân sự của Bắc Kinh.
Các trạm khí tượng bao gồm các thiết bị mặt đất cơ bản và thiết bị quan sát khí quyển cũng như các radar thời tiết nhằm theo dõi các chỉ số liên quan tới khí tượng. Trung Quốc nói rằng các dữ liệu thu được sẽ giúp đưa ra các thông tin dự báo thời tiết chuẩn xác hơn cung cấp cho các tàu đánh cá và tàu di chuyển trong khu vực.
Bình luận (0)