Ngày 1-4, HĐND TP HCM phối hợp Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình "Lắng nghe và trao đổi" với chủ đề "Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn" để đánh giá lại công tác phân loại rác tại nguồn sau 9 tháng triển khai.
Thực hiện không đồng bộ
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP, cho biết qua 9 tháng thực hiện phân loại rác tại nguồn đã đạt nhiều kết quả. Đã có 4 HTX và 20 công ty thu gom rác được thành lập, nâng số lượng đơn vị tham gia thu gom rác tại nguồn là 16 HTX và 80 công ty. Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn đã hoàn chỉnh 5 mẫu xe từ 2 khối trở lên để phù hợp với các địa hình thu gom. Cùng với đó là xây dựng các trạm trung chuyển đồng bộ với phân loại rác tại nguồn. Dù vậy, hiệu quả chưa được như kỳ vọng do TP vẫn chưa ban hành được giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác thay cho Quyết định 88/2008 đã lạc hậu. Các địa phương thực hiện không đồng bộ, tuyên truyền chưa hiệu quả cũng như triển khai hệ thống thu gom riêng thành 2 loại vẫn còn chậm.
Các đường dây rác dân lập vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thu gom phân loại rác
Là một trong những quận thí điểm thu gom rác tại nguồn từ năm 2015, ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết công tác phân loại rác được thực hiện ở khu phố 4 và 4A phường Tân Thới Hiệp. Qua đánh giá, trong 2 năm đầu, việc thu gom do Công ty Dịch vụ công ích quận 12 thực hiện, các công nhân được tập huấn kỹ nên kết quả đạt yêu cầu. Tuy nhiên, đến năm 2017 khi mở rộng toàn quận thì có thêm lực lượng rác dân lập thu gom rác. Lực lượng này chưa được tập huấn sâu về phân loại rác tại nguồn, quy chế quản lý các đường dây rác lại chưa chặt chẽ nên gặp nhiều khó khăn. Ông Phúc cho biết thêm hiện quận 12 có 119 đường dây rác, năm 2018 sẽ tập trung lại để tập huấn về thu gom rác đã được phân loại tại nguồn cho lực lượng này.
Phải có thùng rác 2 ngăn
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết lý do TP chậm ban hành quy định về quản lý lực lượng rác dân lập cũng như đơn giá là do chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ TN-MT, dự kiến quy định mới sẽ được ban hành trong tháng 4.
Từ đó, TP sẽ điều chỉnh điều kiện hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập để quản lý chặt chẽ, trong đó đặt yêu cầu phải thu gom rác phân loại tại nguồn. Trong nghị quyết cũng đã đặt yêu cầu phải chuyển đổi loại hình thu gom rác dân lập thành HTX để họ đầu tư công nghệ, chuyển đổi phương tiện thu gom.
Là đơn vị tập hợp các đường dây rác dân lập vào HTX, ông Lý Văn Hòa, Giám đốc HTX Bảo Tín (huyện Hóc Môn), chia sẻ hiện đơn vị có 107 công nhân đang đảm trách việc gom rác cho 39.000 hộ với khối lượng 140 tấn rác mỗi ngày. Theo ông Hòa, nếu thực hiện thu gom rác tại nguồn thì xe phải có 2 ngăn, đồng nghĩa với việc phải chuyển đổi toàn bộ 146 xe dạng thô sơ của HTX, số tiền lên đến gần 50 tỉ đồng, quá sức của các xã viên.
Bên cạnh đó, đơn giá thu gom hiện nay theo Quyết định 88/2008 đã bị bãi bỏ nhưng chưa có quyết định mới nên gặp khó khi thu tiền người dân. Việc phân loại rác tại nguồn sẽ khiến chi phí tăng cao nên ông Hòa kiến nghị đơn giá mới phải hài hòa để công nhân ổn định cuộc sống.
Đại diện Công ty Dịch vụ công ích quận 6 cho biết sau khi thí điểm ở phường 12, đến nay đã tạo được thói quen phân loại của người dân. Riêng việc thu gom thêm rác ở các chợ, chủ yếu là rác thực phẩm, để đáp ứng yêu cầu phân loại rác tại nguồn thì phải đẩy thêm một thùng để đựng 2 loại rác khác nhau, tốn thêm nhân công.
Mời gọi doanh nghiệp biến rác thành điện
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP có mật độ dân số cao, hiện mỗi ngày phải xử lý 8.300 tấn rác, đến năm 2020 là 11.000 tấn/ngày. TP đã tổ chức nhiều hội nghị mời gọi đầu tư và đã triển khai kế hoạch đấu thầu các giải pháp công nghệ xử lý rác mới (công nghệ điện rác và tạo phân bón) tại 2 điểm mới ở huyện Củ Chi. Đối với 2 điểm chôn lấp lâu năm là Gò Cát và Đông Thạnh, TP sẽ mời gọi nhà đầu tư xử lý 2 điểm này để xây dựng thành công viên.
Về việc tuyên truyền cho người dân, ông Trần Vĩnh Tuyến góp ý với Sở TN-MT nên dùng những từ gần gũi, dễ hiểu để người dân thực hiện được.
Bình luận (0)