Liên quan vụ sập nhà 4 tầng ở Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM), ngày 25-9, UBND quận Bình Thạnh đã báo cáo vụ việc đến UBND TP HCM và Công an TP HCM.
Cảnh báo nền đất yếu
Sự cố xảy ra vào lúc 13 giờ 10 phút ngày 24-9 tại căn nhà số 133/1 đường Bình Quới thuộc phường 27, do ông Hà Hữu Thông làm chủ hộ. Căn nhà này có 4 tầng, kết cấu bê-tông cốt thép, nằm trên khu đất rộng 130 m2. Khi nhóm thợ đang thi công gia cố móng thì căn nhà bất ngờ đổ sập, làm bị thương 7 người, trong đó có 2 người bị thương nặng.
UBND quận Bình Thạnh cho biết các đơn vị có liên quan đang khẩn trương điều tra nguyên nhân để có biện pháp xử lý, khắc phục.
Bán đảo Thanh Đa là khu vực có nền đất yếu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà theo giới chuyên gia về xây dựng, có thể dẫn đến căn nhà nói trên bị nghiêng nên chủ hộ thuê người sửa chữa và xảy ra sụt lún, sụp đổ công trình.
Theo kỹ sư Trần Văn Tường, công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, về nguyên tắc, khi được cấp phép xây dựng thì đơn vị thi công phải khảo sát, đánh giá địa chất tại khu vực xây dựng để đưa ra thiết kế phù hợp. Đây là yếu tố hàng đầu để công trình bảo đảm khả năng chịu lực, không bị sụt lún, nghiêng hay ngã đổ.
Cũng theo kỹ sư Trần Văn Tường, với sự cố vừa xảy ra tại bán đảo Thanh Đa, chính quyền địa phương cần rà soát, kiểm tra các khu vực thường xuyên sạt lở, những khu vực có nền đất quá yếu dễ xảy ra sụt lún. Từ đó khoanh vùng, đưa ra khuyến cáo để người dân biết và tránh rủi ro. Với những khu vực chưa bảo đảm thì cần xem xét kỹ và có điều chỉnh phương án thi công phù hợp trước khi cấp phép cho người dân.
Về phía người dân, kỹ sư Trần Văn Tường khuyến cáo cần chọn đơn vị tư vấn, thi công có năng lực tốt, tránh sử dụng các đơn vị chưa có kinh nghiệm, sử dụng lao động không bảo đảm chuyên môn. "Chỉ cần bất cẩn hay sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến sự cố công trình" - kỹ sư Tường cảnh báo.
Không phải ngẫu nhiên mà vụ nhà 4 tầng bị nghiêng và đổ sập khi thi công khiến người dân ở Thanh Đa lo lắng. Năm 1992, khu vực Thanh Đa được quy hoạch thành khu đô thị sinh thái. Từ đó đến nay người dân Thanh Đa sống trong quy hoạch treo, dự án treo, nhà cửa xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sụt lún.
Một căn nhà bị sụt lún do sạt lở kênh Thanh Đa Ảnh: ANH VŨ
20 năm chống sạt lở
Trong khi người dân trong bán đảo Thanh Đa lo lắng nhà cửa xuống cấp, sụt lún thì đối với các hộ dân ở ven kênh, sạt lở là mối bận tâm hàng đầu.
Cuối tháng 6 vừa qua, một đoạn bờ kè (đoạn 1,1) dài hơn 220 m nằm ở bờ phải kênh Thanh Đa thuộc phường 25, quận Bình Thạnh bất ngờ bị đổ sụp. Hậu quả làm 15 căn nhà bị sụt lún, nứt tường, xiêu vẹo, nghiêng về phía kênh. Các hộ dân đã được chính quyền hỗ trợ di dời hoặc chủ động tự di dời đến nơi ở khác.
Bà Nguyễn Thị Công (88 tuổi, ngụ hẻm 886, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết nhà bà xây dựng trước năm 2000, tuy không nằm trong số những hộ dân bị di dời nhưng nhà của bà cũng bị ảnh hưởng từ vụ sạt lở này, tường xuất hiện nhiều vết nứt. "Đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến cảnh sạt lở. Sống cạnh nơi quy hoạch một đô thị lớn nhưng sạt lở lại luôn ám ảnh chúng tôi" - bà Công nói. Còn ông Nguyễn Văn Tư (69 tuổi, ở cạnh nhà bà Công) bày tỏ: "Gần 20 năm trước, khu vực bờ kênh Thanh Đa đã xảy ra sạt lở nhưng không nghiêm trọng bằng vụ sạt lở vừa qua. Chúng tôi mong chính quyền sớm có biện pháp khắc phục để người dân an tâm".
Công trình chống sạt lở tại bán đảo Thanh Đa là dự án trọng điểm, được UBND TP HCM giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu, đề xuất xây dựng từ năm 2003. Dự án được chia làm 4 đoạn, với tổng chiều dài khoảng 9,5 km, tổng kinh phí 1.342 tỉ đồng. Đến nay đã có một đoạn đã được hoàn thành. Ba đoạn còn lại đang thi công, gồm đoạn 1,2 (ngã ba sông Sài Gòn - thượng lưu kênh Thanh Đa đến xưởng cơ khí Tiền Phong), đoạn 1,3 (từ xưởng cơ khí Tiền Phong đến ngã ba Rạch Chùa) và đoạn 1,4 (từ ngã ba Rạch Chùa đến ngã ba sông Sài Gòn).
Điều đáng nói ở thời điểm xảy ra vụ sạt lở nói trên, Trung tâm Quản lý Đường thủy - Sở GTVT TP HCM tiến hành khảo sát, phát hiện tại một số vị trí gạch bị bong tróc và sụt lún nhỏ. Liên tục những ngày sau đó, tình trạng sụt lún tại khu vực này càng trở nên nghiêm trọng. Sau đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư) kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Tuy nhiên, do tình hình không được cải thiện, trong tháng 7 và tháng 8, chủ đầu tư buộc chấm dứt hợp đồng các nhà thầu thi công tại 2 đoạn 2 và 4, tiến hành đấu thầu, lựa chọn nhà thầu bảo đảm năng lực cho dự án.
Hy vọng Nghị quyết 98 giải quyết vấn đề Bình Quới - Thanh Đa
Khu bán đảo Thanh Đa được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Mặc dù nằm giữa lòng thành phố nhưng cho đến nay, do ảnh hưởng của quy hoạch "treo", bán đảo Thanh Đa vẫn chưa phát triển, đất còn bị bỏ hoang nhiều, nhiều khu dân cư, chung cư cũ đã xuống cấp.
Năm 1992, TP HCM thông báo ý tưởng quy hoạch nơi đây trở thành khu văn hóa - du lịch, nghỉ ngơi, giải trí phục vụ nhân dân thành phố và du khách. Đến năm 2000, thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bán đảo Thanh Đa là khu du lịch - văn hóa - giải trí.
Năm 2004, UBND TP HCM quyết định thu hồi và giao đất cho Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án và đến năm 2010 thành phố đã thu hồi quyết định. Sau đó, một đơn vị trong nước được UBND TP HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó đơn vị nước ngoài đã rút lui vì không thể chờ đợi tới lúc được giao đất sạch. Dự án gặp vướng mắc và tiếp tục bị "treo".
Mới đây, trả lời ý kiến cử tri về thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh nghị quyết sẽ giúp thành phố tháo gỡ được rất nhiều, trong đó có các dự án "treo", quy hoạch "treo". Ông hy vọng Nghị quyết 98 có thể giải quyết được dự án Bình Quới - Thanh Đa.
Hiện nay, UBND TP HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM rà soát, hoàn chỉnh lại kế hoạch tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế về ý tưởng quy hoạch - kiến trúc của bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, trình UBND TP HCM ban hành trước ngày 30-9. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện các thủ tục để đến ngày 30-4-2025 hoàn thành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
UBND TP HCM đánh giá việc sớm triển khai dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa sẽ góp phần hạn chế vấn đề quy hoạch dự kiến đến kéo dài tại khu vực đầu tư dự án, tạo môi trường sống có chất lượng cho người dân. Dự án sẽ góp phần huy động nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự phát triển chung của quận Bình Thạnh và thành phố. Khi thực hiện dự án này cũng góp phần tạo ra việc làm cho người lao động, tạo nguồn thuế đóng góp cho xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế của TP HCM.
Q.Anh
Bình luận (0)