Về xử lý sạt lở một đoạn kè kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh), ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM (Sở GTVT) cho biết Sở đang đề nghị khảo sát mở rộng phạm vi sạt lở ở đoạn kè trước và sau vị trí sạt.
Việc mở rộng phạm vi khảo sát sẽ giúp xác định mức độ ảnh hưởng của khu vực xung quanh, trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ báo cáo UBND TP HCM có hướng xử lý cho chặt chẽ.
Báo cáo ngày 27-7 của Trung tâm Quản lý đường thủy (thuộc Sở GTVT), qua quan trắc nhận thấy khu vực này tiếp tục sạt lở. Cụ thể tại đoạn kè từ điểm 10 đến 22 chuyển vị theo phương ngang từ 22 cm đến 32 cm; tại đoạn kè từ các điểm 16 đến 30 chuyển vị theo phương đứng lớn từ -24 cm đến -31 cm.
Một đoạn kè kênh bị sạt lở, có thể đổ xuống sông
Đánh giá chung hiện trạng khu vực quan trắc xuất hiện hiện tượng nhà dân bị sụt lún, nghiêng, hệ thống lan can, cột đèn đỉnh kè bị nghiêng, xô ngang và biến dạng. Trong khoảng 10 m phía sau đỉnh kè trong khu vực nhà dân đang sinh sống xuất hiện vết nứt có độ mở rộng tại vị trí lớn nhất là 10,6 cm. Kết thúc thời điểm quan trắc, hiện tượng sụt lún và chuyển vị vẫn tiếp diễn.
Kết hợp số liệu khảo sát địa hình, địa chất và quan trắc cũng như tư vấn đã chọn mặt cắt nguy hiểm để kiểm tra khả năng ổn định của công trình, chiếu theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành đều không đạt hệ số an toàn và công trình, nền kè tiếp tục sạt, trượt ra phía sông.
Về nguyên nhân, Trung tâm Quản lý đường thủy, nhận định do thời điểm sạt lở có mưa lớn nhiều ngày làm cho nền đất sau kè bị đọng nước, do không có hệ thống thoát nước nên nước thoát chậm, kết hợp với thời điểm nước triều kiệt, chênh lệch mực nước lớn làm gia tăng áp lực lên kè.
Ngoài ra tuyến kênh Thanh Đa là đoạn nối tắt sông Sài Gòn rút ngắn chiều dài di chuyển khoảng 12 km nên lượng phương tiện thủy qua lại rất lớn. Việc di chuyển tạo sóng gây nhiều áp lực ảnh hưởng đến độ ổn định công trình kè.
Khu vực nhà dân bị ảnh hưởng đã được địa phương di dời
Nói về giải pháp đảm bảo an toàn khu vực kè bị sạt lở, theo Phó Giám đốc Sở GTVT, Sở sẽ kiến nghị UBND TP các giải pháp trong đó có giảm tải cho công trình- thực hiện tháo dỡ nhà dân, vật kiến trúc trong phạm vi cách đỉnh kè vào phía bờ 10 m và dài dọc bờ phải kênh 200 m tính từ cầu Kinh về phía hạ lưu để giảm tải sau kè.
Trước đó, ngày 22-6, Trung tâm Quản lý đường thủy phát hiện đoạn kè 1,1 kênh Thanh Đa trên phường 25, quận Bình Thạnh xuất hiện một số vị trí gạch bị bong tróc và sụt lún nhỏ. Liên tục những ngày sau đó, tình trạng sụt lún, chuyển vị của công trình kè và khu vực tiếp giáp nghiêm trọng hơn. Vụ sạt lở làm ảnh hưởng 15 hộ dân sống trong khu vực.
Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, UBND quận Bình Thạnh đã di dời 15 hộ dân ra khỏi khu vực. Hiện nay, Sở GTVT chuẩn bị báo cáo gửi UBND TP HCM về giải pháp khắc phục vụ sạt lở.
Bình luận (0)