Chiều 7-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa nhận được báo cáo về ca mắc bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống bạch hầu ở Tây Nguyên
"Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu theo quy định" – ông Nay Phi La cho biết thêm.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, ngày 6-7 đơn vị nhận được thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Lắk về trường hợp nghi bệnh bạch hầu nên phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra thông tin và lấy mẫu xét nghiệm.
Theo đó, bệnh nhân tên H B. J. (1968, dân tộc M’Nông, ngụ tại Buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk). Theo lời bệnh nhân, bệnh khởi phát ngày 4-7 với các triệu chứng sốt, kèm đau họng, nuốt khó… Bệnh nhân ở nhà tự mua thuốc uống nhưng không bớt. Đến ngày 6-7, bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Lắk. Ngay sau đó, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã lấy mẫu gửi Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Đến chiều 7-7, kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Bạch hầu đã xuất hiện tại 4 tỉnh của Tây Nguyên
Cũng theo CDC Đắk Lắk, trước và trong thời gian mắc bệnh, bà H B.J không đi đâu xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạc hầu. Khu vực xung quanh nhà chưa ghi nhận các trường hợp mắc bệnh.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã khoanh vùng, thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho các trường hợp tiếp xúc gần, phun hóa chất khử trùng tất cả hộ dân trong buôn và thực hiện các quy định về phòng chống bệnh bạch hầu.
Như vậy, đến chiều 7-7, bệnh bạch hầu đã xuất hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum với hàng chục người mắc và đã có 3 trường hợp tử vong
Bình luận (0)