Chiều 9-4, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức buổi họp báo quốc tế công bố kết quả khảo sát Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới.
Chuyên gia lặn hàng đầu thế giới chia sẻ về chuyến thám hiểm tại Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) - Ảnh: Dương Ngọc
Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng cho biết UBND tỉnh Quảng Bình đã cho phép thực hiện chương trình khảo sát hệ thống sông ngầm kết nối với hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới - từ ngày 1-4 đến ngày 9-4-2019. Cuộc khảo sát có sự tham gia của 4 chuyên gia lặn hang động đã thực hiện công tác lặn cứu hộ đội bóng Lợn Hoang ở Chiang Rai (Thái Lan) năm 2018 cùng các chuyên gia hàng đầu của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh. Chương trình khảo sát này là điểm khởi đầu cho ý tưởng thám hiểm lặn khảo sát bên trong các hang ngầm tại Quảng Bình, Việt Nam trong tương lai.
Ban tổ chức cho biết hãng hàng không Vietnam Airlines tài trợ vận chuyển hành khách, hành lý, trang thiết bị của đoàn thám hiểm giữa Anh và Việt Nam cho hoạt động, với mong muốn góp phần khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và phát triển du lịch của Việt Nam.
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis, cho biết dự toán kinh phí ban đầu cho chuyến lặn thám hiểm là 53.000 USD, sau đó nhờ Vietnam Airlines miễn phí vận chuyển nên chi phí cho chuyến thám hiểm đã giảm đi nhiều. Để phục vụ cho chuyến lặn thám hiểm, đã tiến hành đưa rất nhiều trang thiết bị hỗ trợ, hậu cần phục vụ cho các chuyên gia.
Thông tin về quá trình khám phá hang Sơn Đoòng tại cuộc họp báo, ông Howard Limbert, thành viên Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, cho biết mục tiêu của chuyến khảo sát lần này của các chuyên gia là tìm ra đoạn hang ngầm nối giữa hang Sơn Đoòng và Hang Thung cách nhau 600 m, với nhận định ban đầu là khi đạt độ sâu 25 m thì đoạn sông ngầm bên trong hang Sơn Đoòng sẽ chạy ngang qua để nối với dòng sông ngầm bên trong Hang Thung.
Tuy nhiên, trên thực tế hoàn toàn khác. Ông Jason Mallison, chuyên gia của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, cho hay khi nhóm chuyên gia đo độ sâu của dòng sông ngầm bằng dây thì đáy của dòng sông ngầm bên trong Sơn Đoòng nằm ở độ sâu 93 m. Ở độ sâu này thì không thể dùng bình lặn nén khí thông thường để lặn ở độ sâu 93 m, do đó, các chuyên gia lặn phải tìm kiếm các điểm trần hang ngầm với độ sâu khoảng 40-50 m để có thể dùng bình khí nén hiện tại cùng với hệ thống rebreath để có thể lặn bên dưới hàng ngầm nhiều giờ liền. Ông Jason đã thực hiện đợt lặn sâu ở độ sâu 77 m là độ để tìm kiếm lối thông qua Hang Thung nhưng vẫn không thể tìm thấy điểm nối mà độ sâu của hang vẫn tiếp tục sâu hơn. Nhóm chuyên gia lặn hang động đã có phương án dùng bình ký Heli để có thể lặn sâu 120 m đến 200 m.
Chuyến khảo sát lần này đã phát hiện ra một hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu 60 m, càng sâu hệ thống hang ngầm càng mở rộng ra. Ở độ sâu này đã sâu hơn mực nước biển tại vị trí lặn. Với phát hiện này thì hang Sơn Đoòng lại trở thành điều bí ẩn đối với các chuyên gia hang động và các nhà khoa học, độ sâu của hang Sơn Đoòng tăng lên hơn 500 m tính từ cửa hang cho đến đoạn cuối cùng chưa được khám phá hết.
Đáng chú ý, ngoài dòng sông ngầm bên trong hang Sơn Đoòng thì các chuyên gia lặn hang động còn lặn khảo sát tại khu vực suối Nước Moọc bên trong vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và tại độ sâu 74 m, các chuyên gia buộc phải dừng lại vì cần thiết bị phù hợp hơn. Như vậy, theo nhận định của các chuyên gia lặn hang động lần này thì hệ thống hang động đá vôi tại Phong Nha-Kẻ Bàng được chia thành 3 tầng, hang khô, hang nước có dòng chảy và hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 93 m.
Kết quả khảo sát lần này đã mở ra một trang khám phá mới về hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 90 m, đồng thời mở cánh cửa cho các nhà thám hiểm hang động khảo sát thêm hệ thống hang động nằm sâu bên dưới lòng đất. Với những điều này, Phong Nha-Kẻ Bàng vẫn sẽ là điều bí ẩn dành cho các nhà thám hiểm khám phá trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis hiện đang khai thác tuyến du lịch chinh phục Sơn Đoòng và là đơn vị tham gia tổ chức chương trình khảo sát này, cho rằng phía dưới từ 60 đến 100 m ở hang Sơn Đoòng đang hình thành một thế giới khác cần khám phá. Việc khám phá là rất khó khăn, đặc biệt nguy hiểm nên trên thế giới chỉ có khoảng 50 thợ lặn có thể thám hiểm.
Việc thám hiểm hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng dù đã được tiến hành gần 30 năm nhưng mới chỉ phát hiện ra được những hang thô, hang có dòng sông ngầm nhưng vẫn có thể đi vào được tuy nhiên chưa thử kiểm tra xem bên dưới dòng sông ngầm đó có những gì.
Vì vậy, cuộc khảo sát lần này đã mở ra cánh cửa mới rằng có thể Sơn Đoòng có những độ sâu và những điều bí ẩn mà chúng ta không thể tưởng tượng được.
Năm sau, công ty sẽ tiếp tục mời các chuyên gia tới lặn khảo sát để tìm hiểu về mức độ bí ẩn của Sơn Đoòng. "Biết đâu chúng ta có thể phát hiện ra được một thế giới khác bên dưới hệ thống hang ngầm đó ở Phong Nha - Kẻ Bàng"- ông Nguyễn Châu Á nói.
Không xây cáp treo đến Sơn Đoòng
Tại cuộc họp báo, phóng viên hãng thông tấn AFP đặt câu hỏi về ý định xây cáp treo đến Sơn Đoòng hiện nay như thế nào và không biết dự án này có ảnh hưởng đến du lịch không?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng cho biết cũng lâu rồi có việc khảo sát xem có thể xây dựng tuyến cáp treo từ ngoài bản Đoòng vào hang Én chứ chưa đến hang Sơn Đoòng. Đó là mới khảo sát, còn về xây dựng một dự án, hoàn toàn không có. Sau đó, do báo chí viết quá nhiều về dự án cáp treo này, nhưng dự án chưa thực sự hoàn thành mà đó là ý tưởng của một số doanh nghiệp. Đây là vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, việc xây dựng cáp treo phải cân nhắc. Về nguyên tắc, trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng không được xây dựng bất kỳ công trình nào, chính vì vậy tỉnh Quảng Bình không chấp thuận cho các doanh nghiệp xây dựng dự án cáp treo đó.
Một số hình ảnh do Oxalis cung cấp về chuyến thám hiểm:
Các chuyên gia cho biết nước khu vực này có nhiều phù sa
Các chuyên gia cho biết mất rất nhiều thời gian để giảm áp khi tiến hành lặn
Video clip chuyến thám hiểm hệ thống hang ngầm ở Sơn Đoòng tiến hành vào tháng 4 - Video: Oxalis
Các dụng cụ của các chuyên gia lặn:
Bình luận (0)