Mới đây, anh V.N.T (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) phản ánh với Báo Người Lao Động về việc đang sở hữu một ô tô trị giá 350 triệu đồng nhưng bị phạt nguội với tổng số tiền 148 triệu đồng.
Không biết lỗi từ đâu
Theo anh T., lâu nay, anh dùng xe này để kinh doanh dịch vụ Uber. Gần đây, khi nắm bắt việc Cổng thông tin điện tử Công an TP HCM có đăng tải danh sách các xe vi phạm nên anh T. lên kiểm tra thì sững sờ vì thấy xe của mình vi phạm tới 49 lần, hầu hết là chạy quá tốc độ lúc qua hầm vượt sông Sài Gòn. "Tiền đóng phạt lên đến 148 triệu đồng, bằng gần một nửa giá trị phương tiện của tôi. Điều đáng nói là từ trước đến giờ, tôi không nhận được giấy mời hay thông báo vi phạm nào của CSGT" - anh T. phân trần.
CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm thông qua camera Ảnh: Lê Phong
Cũng theo anh T., chỉ còn 3 tháng nữa là ô tô của anh tới hạn đăng kiểm và theo quy định, phải hoàn thành việc đóng phạt thì mới được phép đăng kiểm. Trước số tiền phải đóng quá lớn, anh T. đưa ra giải pháp là... bán xe.
Tương tự, trường hợp khác là ông Nguyễn Học Lập, chủ một doanh nghiệp cho thuê xe du lịch, nói chiếc xe BKS 51A422… mà ông cho thuê, khi kiểm tra thì thấy đang bị "dồn" 8 lỗi vi phạm do chạy quá tốc độ, đậu ở vị trí cấm. Ông Lập giật mình với con số này và cho biết mỗi ngày cho thuê, ông chỉ nhận được 700.000 đồng nên trước con số đóng phạt mỗi lần từ 1-3 triệu đồng, ông cảm thấy hoang mang. "Nếu phạt như vậy chẳng khác gì "quýt làm cam chịu". Bản thân tôi đâu phải là người điều khiển nhưng lại bắt đóng phạt" - ông Lập nói.
Qua kiểm tra danh sách phạt nguội do Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cung cấp, phóng viên nhận thấy rất nhiều phương tiện khác cũng vi phạm nhiều lần, số tiền trên 100 triệu đồng. Cụ thể, ô tô BKS 60C-223... có 50 lần vi phạm; ô tô BKS 51A-697... có 46 lần chạy vượt quá tốc độ; ô tô BKS 50Z-272... có 29 lần vi phạm...
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Quốc (ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), có trường hợp phương tiện của ông bị phạt nguội nhưng không chính xác. Cụ thể là ngày 18-9, ông Quốc nhận giấy thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thông báo ghi rõ ô tô 51F-445… lúc 22 giờ 54 phút ngày 2-8-2017, qua đường hầm sông Sài Gòn với vận tốc 72/60 km/giờ. Thế nhưng, khi kiểm tra lại hộp đen được lắp đặt trên xe, ông Quốc thấy thời điểm đó, ô tô của ông chỉ lưu thông trong khoảng 40-60km/giờ lúc qua khu vực trên. Ông Quốc khẳng định: "Hộp đen của tôi vừa mới đăng ký và thông tin lộ trình xe có đăng tải ở website do Tổng cục Đường bộ quản lý. Tôi đã mang những dữ liệu hộp đen để khiếu nại PC67 - Công an TP HCM". Theo ông, nếu cơ quan chức năng không thừa nhận việc xử lý vi phạm qua hình ảnh bị nhầm lẫn thì ông sẽ kiện ra tòa.
Kiểm tra kỹ rồi mới xử lý
Theo trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu PC67, những trường hợp vi phạm bị phát hiện qua camera sẽ được đơn vị gửi thông báo, nhờ công an cấp phường - xã nơi chủ phương tiện đăng ký phối hợp xác minh. Công an địa phương sẽ chuyển thông báo đến trực tiếp người dân và mỗi lần vi phạm là một giấy thông báo chứ không phải gom lại một lúc rồi gửi. Trước phản ánh "quýt làm cam chịu" của ông Nguyễn Học Lập, trung tá Bình giải thích: "Nếu doanh nghiệp cho người khác thuê mà họ vi phạm thì có thể xuất trình hợp đồng ngày, giờ cho thuê. Từ đó, chúng tôi sẽ có biện pháp yêu cầu người điều khiển đóng phạt". Theo trung tá Bình, sắp tới, các phương tiện do doanh nghiệp kinh doanh vận tải là chủ sở hữu, PC67 sẽ cho mời đại diện doanh nghiệp đến để nhận thông báo vi phạm và các doanh nghiệp này phải có trách nhiệm chuyển đến tận tay tài xế của mình, đôn đốc người vi phạm đóng phạt.
PC67 - Công an TP HCM cho biết việc xử lý vi phạm qua camera hiện vẫn gặp khó bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu là tình trạng chủ phương tiện chưa thông suốt, thiếu hợp tác với CSGT. Dù hiện nay, phần lớn trường hợp vi phạm khi nhận được thông báo xử phạt đã tự nguyện chấp hành nhưng tình trạng chây ì, không hợp tác cũng diễn ra phổ biến. Thống kê từ tháng 11-2016 tới đầu tháng 8-2017, PC67 đã trích xuất hoàn thiện 33.403 trường hợp vi phạm (ô tô là 32.922 trường hợp, mô tô là 481 trường hợp). Tuy nhiên trong số này, chỉ có 14.411 trường hợp đến giải quyết.
PC67 cũng chỉ ra nhiều trở ngại khác trong xử lý vi phạm hành chính qua hình ảnh là các chủ phương tiện thường xuyên thay đổi chỗ ở hoặc đã qua đời, đang thụ án, thi hành nghĩa vụ quân sự, xuất cảnh... Những trường hợp này khiến việc gửi thông báo vi phạm và xử lý gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, việc mua bán phương tiện nhưng không sang tên đổi chủ hiện cũng khá phổ biến, dẫn đến gửi thông báo vi phạm cho người quản lý, sử dụng phương tiện vi phạm là không dễ. Trước mắt, PC67 đang tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, hoàn thiện trang thông tin điện tử để người dân dễ theo dõi, dự kiến ra mắt lại vào cuối năm 2017. "Còn để việc phạt nguội được thực sự hiệu quả thì phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị như CSGT, cảnh sát khu vực cùng chính quyền các địa phương nơi người vi phạm cư trú. Hiện tại, người dân có thể truy cập vào địa chỉ http://catphcm.bocongan.gov.vn để xem phương tiện của mình có bị phạt nguội hay không" - đại diện PC67 thông tin.
Để hiệu quả hơn trong việc phạt nguội, PC67 cho biết công tác tuần tra sẽ được phối hợp với việc tra cứu trực tiếp trên máy tính nhằm phát hiện các phương tiện vi phạm qua hình ảnh. Cụ thể, nếu phương tiện vi phạm đã có thông báo của CSGT mà chưa đến nộp phạt thì tổ tra cứu sẽ thông báo cho Tổ CSGT tuần tra công khai tiến hành dừng xe kiểm tra, lập biên bản yêu cầu chủ phương tiện đến trụ sở CSGT để giải quyết.
Quy trình xử lý qua camera
Sau khi phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng gửi giấy thông báo, mời chủ xe 3 lần (mỗi lần cách nhau 7 ngày) đến để xác minh lỗi, lập biên bản hành chính. Nếu sau 3 lần thông báo mà chủ phương tiện không đến, CSGT sẽ gửi công văn kèm danh sách phương tiện sang Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp xử lý.
Bình luận (0)