* Phóng viên: Những kết quả nổi bật mà MTTQ Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ 2014-2019 là gì, thưa Chủ tịch?
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn
- Ông Trần Thanh Mẫn: Trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam đã phát huy thuận lợi, nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chương trình hành động do Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII đề ra và đã đạt được kết quả quan trọng. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Chương trình vận động chăm lo, giúp đỡ người nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội. Trong nhiệm kỳ, hệ thống MTTQ các cấp đã vận động được 19.703 tỉ đồng cho các chương trình an sinh xã hội, trên 4.672 tỉ đồng quỹ "Vì người nghèo" và từ đó xây dựng, sửa chữa trên 153.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, xây dựng hàng ngàn công trình phúc lợi, giúp đỡ hàng triệu gia đình phát triển sản xuất, được khám chữa bệnh và học sinh nghèo có điều kiện đến trường.
Nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Công tác giám sát và phản biện xã hội trong nhiệm kỳ qua đã trở thành hoạt động thường xuyên. Những báo cáo, kiến nghị sau giám sát của MTTQ, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong nhân dân đã được các bộ ngành ở trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp nhận, kịp thời chỉ đạo giải quyết.
Cụ thể, ủy ban MTTQ cấp tỉnh chủ trì và tham gia giám sát liên ngành 4.093 cuộc; cấp huyện 22.679 cuộc; cấp xã 466.012 cuộc. Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức 86.872 cuộc phản biện xã hội, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Hoạt động đối ngoại của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đa dạng, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại của Đảng, nhà nước, tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX có sự tham dự của 1.300 đại biểu Ảnh: QUANG VINH
* Để đạt được những kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua, theo ông, những bài học kinh nghiệm rút ra là gì?
- Hoạt động của MTTQ phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhất là chủ trương, đường lối về đại đoàn kết dân tộc; phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; cán bộ MTTQ phải gắn bó, sâu sát với nhân dân và phải thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
MTTQ các cấp phải không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt về phương thức hoạt động; xác định nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm; lấy khu dân cư làm địa bàn hoạt động chủ yếu; chú trọng phát triển, nhân rộng các điển hình, nhân tố mới. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước để bảo đảm về cơ chế, chính sách và điều kiện hoạt động; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên để tăng cường sức mạnh tổng hợp. Nâng cao năng lực hoạt động và uy tín của đội ngũ cán bộ là nhân tố quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của MTTQ Việt Nam.
* Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển", chủ đề của Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã thể hiện rõ chủ trương "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Để thực hiện mục tiêu này, MTTQ các cấp sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?
- MTTQ các cấp sẽ triển khai rất nhiều chương trình và hoạt động khác nhau, trong đó trọng tâm là tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước, đồng bào ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân.
Vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí để tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò của MTTQ các cấp và sức mạnh của nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường giám sát, tham gia xây dựng, phản biện dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
999 đại biểu chính thức tham dự đại hội
Hôm nay (19-9), Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu chỉ đạo đại hội. Diễn ra đến hết ngày 20-9, đại hội có sự tham dự của 1.300 đại biểu, trong đó có 999 đại biểu chính thức.
Cơ cấu, thành phần đại biểu tham dự đại hội rất phong phú. Đại biểu nữ là 326 người; đại biểu là người ngoài Đảng có 497 người; đại biểu dân tộc thiểu số là 281 người; đại biểu các tôn giáo là 192 người; đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài là 25 người. Đại biểu cao tuổi nhất là Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (102 tuổi) và có 3 đại biểu trẻ nhất cùng 21 tuổi.
Ngày 20-9, đại hội sẽ tiến hành Hiệp thương cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Tại phiên bế mạc diễn ra chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tiếp đó, đại hội sẽ công bố danh sách Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và các chức danh trong Ban Thường trực
Ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ - pháp luật:
Chống bệnh hình thức trong giám sát và phản biện
Hiến pháp năm 2013 đã quy định một nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn của MTTQ Việt Nam về giám sát và phản biện. Do đó, nhiệm kỳ mới, MTTQ phải tiếp tục nâng cao vai trò của giám sát và phản biện để góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả, phòng chống sự tha hóa trong đội ngũ cán bộ. Đây là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng một nhà nước pháp quyền, thực sự của dân, do dân và vì dân. Phải tìm cách đổi mới, nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Nhất là làm thế nào để chống bệnh hình thức, vừa qua làm thì nhiều nhưng hiệu quả, hiệu lực chưa được như mong muốn.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế:
Tập trung vào những vấn đề dân bức xúc nhất
Trong nhiệm kỳ 2019-2024, tôi mong rằng MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến lớn hơn nữa trong phản biện xã hội. Để thực hiện tốt chức năng này, MTTQ các cấp phải tập trung đi vào những vấn đề thiết thực, cụ thể liên quan mật thiết tới cuộc sống nhân dân, những bức xúc lớn nhất của nhân dân.
Đặc biệt, những ý kiến đóng góp của nhân dân cần được phản hồi, vấn đề gì được tiếp thu hoặc không tiếp thu cần được trao đổi lại rõ ràng. MTTQ phải kiên quyết theo dõi, đôn đốc để các cơ quan thực hiện, tránh tình trạng các cơ quan, tổ chức nói là tiếp thu nhưng thực tế không sửa đổi, bổ sung hoặc thực hiện.
Bình luận (0)