Nhưng chỉ đến trưa, nhiều tuyến đường ở TP HCM (và nhiều TP lớn khác trên cả nước), rác lại ngập tràn, vỉa hè bị hàng quán bít kín. Giờ cao điểm chiều, các phương tiện chen chúc, bóp còi inh ỏi. Người đi bộ thì bạ đâu qua đường đấy, bất chấp như thế là sai luật giao thông.
Những tháng qua, báo chí cũng nói nhiều đến phong trào dùng lá gói thực phẩm, dùng ống hút thực vật thay ống hút nhựa và tiến tới xóa dần thói quen dùng đồ nhựa trong sinh hoạt, hạn chế rác thải nhựa để cứu môi trường. Phát biểu tại phiên họp về khí hậu, môi trường tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 29-6 ở Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rác thải nhựa biển đang làm suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái biển và là vấn đề cấp bách toàn cầu. Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi nỗ lực của từng cá nhân và toàn xã hội. Điều quan trọng nhất, chính là ý thức. Mỗi cá nhân trong từng gia đình, cộng đồng phải có ý thức bảo vệ môi trường, ít nhất phải biết phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ, trong mọi sinh hoạt luôn có ý thức gìn giữ vệ sinh chung.
Sẽ không bao giờ chúng ta thành công trong cuộc vận động nếu người dân không tự giác chấp hành, ý thức của từng người không có. Đó là vẫn bạ đâu vứt rác đấy, đi đường cứ thản nhiên khạc nhổ, để cho thú cưng phóng uế bừa bãi trong khu dân cư, bất chấp số đông bất bình, phản đối. Đi ngang những hố ga, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, làm sao để nói về một khu phố, một thành phố văn minh, sạch đẹp?
Sẽ không bao giờ chúng ta có văn minh giao thông đúng nghĩa khi nhiều người cứ lên xe là liên tục bóp còi, đường chớm ùn ứ là phóng xe leo lề, đèn đỏ nhưng thấy vắng người qua là vượt. Trước các bệnh viện, giao lộ lớn nhỏ, dù có nhiều vạch dành riêng cho người đi bộ, song nhiều người vẫn không đi đúng mà tiện chỗ nào là băng ngang chỗ ấy, gây nguy hiểm cho người khác. Không ít trường hợp do tránh người đi bộ sai luật mà ôtô đã gây tai nạn chết người vô tội và tại TP HCM đã từng xử án tù một người đi bộ gây tai nạn như thế. Song xem ra nhiều người trên đất nước này vẫn chưa biết đi bộ đúng luật hoặc biết mà không tuân thủ.
Khi ý thức tự giác không được thể hiện, vẫn xả rác bừa bãi, tham gia giao thông sai luật thì rất cần vận dụng luật pháp để thực thi. Nếu xử phạt những trường hợp xả rác, chất thải gây ô nhiễm, lấn chiếm vỉa hè, đi bộ không đúng vạch và leo lên lề đường... một cách đồng bộ ở các địa phương, chắc chắn tình trạng này sẽ hạn chế. Chúng ta đã tụt hậu nhiều so với thế giới về quản lý đô thị, ý thức tuân thủ của công dân trong ứng xử văn minh thì thay vì chờ mãi vào sự tự giác, hãy áp dụng luật pháp mới mong có sự cải thiện. Lúc đó, ý thức mới có thể tự giác trở lại với từng người.
Bình luận (0)