Xe máy len vào làn ôtô rồi xe buýt và cả ôtô cũng lấn trở lại vào làn xe gắn máy. Khung cảnh hỗn loạn, còi xe inh ỏi, khói xe mù mịt, nắng dội mưa chan... Quả là cảnh khổ của người dân đô thị.
Đến giờ này, ý thức chấp hành luật lệ giao thông, văn hóa ứng xử trên đường phố của nhiều người tại các TP lớn, điển hình là TP HCM còn rất kém. Giờ cao điểm là chạy xe leo lên lề khiến nhiều đoạn vỉa hè vỡ nát, bong tróc hết gạch lát. Vắng bóng CSGT là không chỉ xe máy mà cả xe buýt cũng vượt đèn đỏ. Đoạn trên cầu vượt Nguyễn Tri Phương (quận 10) từ phía Bệnh viện Nhi Đồng 1 về ngã tư 3 Tháng 2 và Ngô Quyền, trong khi xe từ chiều ngược lại đang lên dốc cầu thì nhiều người chạy xe máy đã rẽ sang trái lúc còn đang trên cầu vượt để tìm cách qua đường Nguyễn Tiểu La phía dưới. Chỉ vì lười biếng, không muốn đi thêm cho hết dải phân cách rồi mới quay lại (dù chỉ hơn 100 m) mà nhiều người chọn cách chạy xe nguy hiểm và vi phạm pháp luật như vậy.
Tương tự, cầu Nguyễn Tri Phương, hướng từ quận 5 qua quận 8 phải vòng qua đường Trần Phú - Trần Hưng Đạo (đoạn trước Trung tâm Văn hóa quận 5) rồi rẽ phải lên cầu nhưng nhiều người bất chấp, cứ ngược chiều từ Trần Hưng Đạo bên kia giao lộ mà chạy lên, trong khi dòng xe thuận chiều đang đổ dốc cầu xuống, rất nguy hiểm. Tiếc rằng những lúc đó lại không có CSGT xử lý.
Thói xấu khác là hút thuốc lá phả khói vào mặt người đi đường, nhất là khi dừng xe chờ đèn đỏ, người khác phải "chịu trận". Đáng kinh tởm hơn cả là thói khạc nhổ bừa bãi, bất chấp quanh mình là ai. Câu chuyện xô xát giữa bác tài chạy xe ôm GoViet và một người chạy xe máy trên một hẻm ở đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh vào ngày 29-11 là một điển hình, đáng lên án và xử nặng người có hành vi tệ hại này để răn đe. Bất bình vì bị nhổ vào mặt, bác tài chạy lên yêu cầu xin lỗi. Người này nhất quyết không xin lỗi, hai bên lao vào đánh nhau và bác tài xe ôm bị té ngã, ngất xỉu, sau đó tử vong.
Mỗi ngày trên đường, ai cũng thấy các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông nhưng nhắc nhở thì chưa chắc đã tiếp thu, thậm chí còn xô xát và gây họa như chuyện bác tài GoViet, càng khiến nhiều người chọn cách nín nhịn khi đi đường, kẻ vi phạm thêm coi thường luật pháp. Do đó, bên cạnh phạt nóng, phải sửa các quy định về phạt nguội cho phù hợp thực tế và có tính răn đe. Với trường hợp hút thuốc, khạc nhổ bừa bãi trên đường, cần quy định rõ về cách thức xử lý, cơ quan xử lý và đưa ra mức phạt nặng. Cần học hỏi cách Singapore, Nhật Bản về việc này, chúng ta mới có thể nghĩ đến đường phố văn minh, sạch đẹp.
Thử hỏi, tại sao người Việt ra nước ngoài cũng răm rắp tuân thủ luật mà ở trong nước thì bầy hầy? Bởi ý thức nhiều người còn kém và luật pháp chúng ta chưa nghiêm. Cứ xử nặng là hết dám ngông nghênh, vi phạm.
Bình luận (0)