Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong
"Trước đây quy định phải 0,5 mg/lít nồng độ cồn trong khí thở trở lên mới bị phạt, còn bây giờ cứ có nồng độ cồn trong khí thở là phạt. Tôi không biết Chính phủ tổng kết đánh giá việc này như thế nào để có thay đổi đó trong Nghị định 100. Sau này trong quá trình giám sát sẽ phải bàn bạc lại vấn đề này. Bởi như quy định hiện nay, người ta có thể chỉ uống chút rượu bia khi ăn cơm, thậm chí ăn hoa quả hay uống thuốc với mấy chục loại cũng có thể làm tăng nồng độ cồn. Như thế không khéo cũng bị phạt oan, rồi không khéo lại dễ sinh ra móc ngoặc, chung chi, tôi bỏ cho anh một vài trăm ngàn rồi được đi thay vì xử phạt. Điều này người dân rất quan tâm và tôi cho là rất đúng.
… Giám sát về việc này không chỉ riêng Quốc hội hay cơ quan có thẩm quyền nào, mà cần có sự tham gia giám sát của toàn dân dưới góc độ phản biện xã hội. Nếu thấy lực lượng CSGT làm không đúng, người dân hoàn toàn có thể chụp ảnh, quay phim rồi đưa lên mạng xã hội để cho toàn dân biết ai làm sai, ai vi phạm, ai cố tình lợi dụng, lạm dụng thực thi pháp luật? Nếu xảy ra vi phạm phải xử lý đến nơi đến chốn, và cũng phải thông qua việc này mà làm trong sạch đội ngũ tác nghiệp.
Trong dư luận hiện nay, theo tôi được biết thì lòng tin của người dân với lực lượng CSGT chưa được tốt. Cho nên mấy anh đã ra quân thì phải làm cho tốt, cho công khai minh bạch và cho đàng hoàng. Thực hiện quy định xử lý này phải làm lâu dài, bền vững chứ không phải ra quân vài bữa cho có phong trào, sau đó đâu vào đấy rồi lợi dụng, lạm dụng, làm méo mó chính sách cũng như hình ảnh của người CSGT, như vậy càng không hay".
(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ĐẶNG THUẦN PHONG nhìn nhận trên Báo Tiền Phong ngày 6-1 khi Nghị định 100/2019 áp dụng mức xử phạt rất cao người lái xe mà trong máu có nồng độ cồn).
Bình luận (0)