Nghề nuôi cua ở ĐBSCL đã được hình thành và phát triển từ những năm 1990 tại các tỉnh như: Cà Mau, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang. Theo thống kê của Viện Kinh tế và Quy hoạch, diện tích nuôi cua tại ĐBSCL trong năm 2021 là 464.299 ha, sản lượng 72.427 tấn. Giá trị con cua được nâng tầm và người tiêu dùng ưa chuộng đã giúp nhiều hộ nuôi cua làm giàu trên quê hương.
Cua Cà Mau cần tìm kiếm thêm thị trường mới để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Nhận diện thách thức
Cà Mau được xem là "thủ phủ" của cua biển cả nước với diện tích trên 250.000 ha, sản lượng 25.000 tấn/năm. Cua biển Cà Mau được xếp là ngành hàng chủ lực của tỉnh cực Nam Tổ quốc, mỗi năm mang về nguồn thu trên 10.000 tỉ đồng, chỉ sau con tôm.
Theo nhận định của nhiều thực khách, cua Cà Mau được đánh giá ngon nhất cả nước bởi thịt ngon, ngọt, gạch nhiều… vì được nuôi dưỡng dưới những tán rừng ngập mặn bạt ngàn và điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi. Nuôi xen canh cua trong vuông tôm đã giúp nhiều hộ dân ở Cà Mau nói riêng và các tỉnh, thành ĐBSCL nói chung nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên, những năm gần đây, người nuôi cua tại tỉnh Cà Mau nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung đang đối diện những thách thức mang tính sống còn như: cua chết trên diện rộng do ký sinh trùng giáp xác chân tơ; giá cả bấp bênh vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc; thương hiệu cua bị "mạo danh" hoặc một số người sử dụng dây trói cua rất to nhằm tăng trọng lượng dẫn đến mất niềm tin của người tiêu dùng…
Lão nông Nguyễn Văn Hài (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho hay nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời thì con cua Cà Mau sẽ còn gặp khó trong thời gian dài. "Thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 80% lượng cua của tỉnh, số còn lại được bán trong nước. Khi Trung Quốc ngừng thông quan, ngay lập tức giá cua sẽ giảm, thậm chí một số thương lái còn ngưng thu mua" - ông Hài trăn trở.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quận, người có hơn 20 năm gắn bó nghề nuôi cua xen canh trong vuông tôm tại Cà Mau, cho hay nông dân mất khoảng 6 tháng mới có thể thu hoạch cua sau khi thả giống. "Tháng 6 âm lịch hằng năm, tôi thả khoảng 10.000 con cua giống để bán được giá cao vào dịp Tết. Cua giống khi thả có kích thước nhỏ, chỉ bằng hạt tiêu nên số lượng hao hụt rất nhiều, những con sống sót sẽ tự tìm kiếm thức ăn trong quá trình phát triển. Nuôi theo cách này tuy năng suất cua không cao nhưng do đa canh nên người dân cũng có nguồn thu nhập khá" - ông Quận nói.
Để giảm hao hụt, nhiều hộ nuôi dùng lưới mành khoanh một khoảng nhỏ trên vuông tôm rồi thả cua giống vào, cho ăn khoảng 10 ngày. Khi cua đã quen với môi trường nước, mạnh hơn thì được người nuôi thả lan ra ngoài.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá nghề nuôi cua đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương. Tuy đạt nhiều kết quả ấn tượng nhưng nhìn chung, ngành nuôi cua của tỉnh vẫn chưa phát huy hết các tiềm năng, lợi thế… "Để phát triển ngành hàng cua cần phải có chiến lược bài bản. Cụ thể, cần tập trung nâng cao sản lượng, chất lượng con giống cũng như tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ cua để người tiêu dùng có đa dạng sự lựa chọn" - ông Sử nêu.
Cần tăng cường dự báo, cung cấp thông tin kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho hộ nuôi cua
Gỡ khó cho nghề nuôi cua
Dù sở hữu diện tích nuôi cua lớn nhất cả nước nhưng sản lượng cua thương phẩm ở ĐBSCL vẫn còn khá khiêm tốn. Tại hội thảo giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi cua, PSG-TS Lê Quốc Việt, Khoa Thủy sản - Trường ĐH Cần Thơ, cho hay để khắc phục tình trạng trên, ĐBSCL cần nâng cao chất lượng nguồn con giống, đa dạng hình thức nuôi… Trong đó, ưu tiên tập trung nghiên cứu, triển khai mô hình nuôi cua lột, gạch và cua thương phẩm để mang lại giá trị cao.
Bên cạnh đó, nhiều diễn giả cũng đặt ra vấn đề kích thích tiêu dùng nội địa, tìm kiếm thêm các thị trường mới để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc; tăng cường nhận thức của người dân, doanh nghiệp về nhãn hiệu, thương hiệu cua; nghiên cứu áp dụng khoa học - kỹ thuật để cua có thể sống được lâu khi di chuyển đến những nơi xa, nghiên cứu chế biến đóng hộp để xuất khẩu.
"Muốn bứt phá thì Cà Mau và các tỉnh ĐBSCL phải cải tiến quy trình sản xuất con giống, quy hoạch lại vùng nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng để hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển vùng nuôi chuyên canh quy mô lớn. Tuy nhiên, phải gắn với việc bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm" - một diễn giả lưu ý.
Để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh trên con cua, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu khuyến cáo người dân cần chọn những con giống khỏe mạnh, ương dưỡng tới kích cỡ lớn mới thả nuôi; không nên thả con giống khi thời tiết thay đổi.
"Các hộ nuôi cần thả con giống với mật độ vừa phải, nếu thả mật độ cao sẽ dẫn đến tình trạng cua thiếu thức ăn, chậm lớn; mật độ nuôi cua quảng canh kết hợp là 1 - 2 con/m2. Đặc biệt, cần sử dụng định kỳ chế phẩm sinh học để tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển, tạo nguồn thức ăn cho cua, tôm" - chuyên gia Tiêu Thanh Tươi nhấn mạnh.
Hạn chế thiệt hại cho hộ nuôi
Bên cạnh việc tiếp thu những góp ý từ chuyên gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường dự báo, cung cấp thông tin cho các địa phương để kịp thời đưa ra những khuyến cáo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho hộ nuôi cua...
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)