Những ngày cuối tháng 4-2018, TP HCM hối hả hoàn thành những công đoạn cơ bản của nút giao thông cửa ngõ phía Đông. Theo thiết kế, dự án dài hơn 1,8 km, bắt đầu từ cổng Khu Du lịch văn hóa Suối Tiên đến khu vực cây xăng Bình Thắng, giáp ranh quận 9, quận Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương).
Giải phóng ngõ phía Đông
Dự án này xây dựng tuyến giao thông chính với 8 làn xe, hai cầu vượt, mỗi cầu dài 61 m, rộng 17 m. Ngoài ra, còn hai cầu vượt dành cho người đi bộ, mỗi cầu dài 110 m, hai đường song hành hai bên tuyến gồm ba làn xe và hàng loạt hầm chui, hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng. Dự án được đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao) với tổng số vốn là 164 tỉ đồng.
Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII, chủ đầu tư), cho biết xa lộ Hà Nội là trục giao thông huyết mạch, cửa ngõ phía Đông Bắc nối TP HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Hiện dọc hai bên xa lộ Hà Nội đã và đang được TP đầu tư, triển khai xây dựng nhiều công trình có quy mô lớn, quan trọng như: Khu Công nghệ cao, ĐHQG TP HCM... Do đó nút giao thông ĐHQG TP HCM là công trình rất quan trọng trên tuyến xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1A. Dự án ngoài góp phần giải quyết bài toán kẹt xe còn góp phần tạo nên bộ mặt của TP trong tương lai.
Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, TP HCM sẽ xây dựng khép kín tuyến vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông) đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái). Dự án có chiều dài 3,82 km, rộng 8-10 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 5.732 tỉ đồng.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, hoàn thiện vành đai 2 sẽ tạo tuyến tránh cho các phương tiện giao thông không đi vào trung tâm TP, giảm áp lực đối với các tuyến đường hiện hữu. Đặc biệt các hướng lưu thông kết nối khu vực cảng Cát Lái ra xa lộ Hà Nội, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông phía Đông TP. Song song đó hiện nay TP HCM cũng đang triển khai thực hiện dự án vành đai 3. Theo quy hoạch, dự án có tổng chiều dài hơn 90 km, quy mô từ 4-8 làn xe. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối giao thông TP HCM với các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Dự án tuyến metro số 1 đang hoàn thiện
Dự án hầm chui An Sương đã hoàn thiệnẢnh: HOÀNG TRIỀU
Tạo kết nối vùng
Nhằm tạo thông suốt giao thông với ngoại vùng, mới đây Sở GTVT TP HCM đã làm việc với lãnh đạo các sở, ngành của các tỉnh lân cận. Các bên đã nhất trí điều chỉnh bổ sung mới 15 tuyến giao thông và hàng loạt công trình giao thông khác để kết nối với TP HCM.
Theo đó, TP HCM sẽ kết hợp với các tỉnh điều chỉnh bổ sung mới 5 tuyến giao thông kết nối với tổng chiều dài khoảng 239,1 km. Cụ thể, tuyến đường ven hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) nối với sông Sài Gòn (TP HCM). Tuyến đường nối từ nút giao Gò Công qua sông Đồng Nai kết nối Quốc lộ 20, Quốc lộ 1A. Tuyến đường nối Quốc lộ 14 với Nhơn Thành (Bình Phước), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), Thuận An (Bình Dương) và cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninhh - Sa Mát…
Cùng với các tuyến đường trên, sẽ điều chỉnh bổ sung, kéo dài đối với 10 trục đường chính đã quy hoạch với tổng chiều dài 727,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 62.000 tỉ đồng như: Trục khép kín vành đai 4 qua khu vực Cần Giờ và kết nối với đường liên cảng Cái Mép (Bà Tịa - Vũng Tàu) qua cầu Phước An (Đồng Nai). Bổ sung kết nối giữa trục đô thị số 4 với cao tốc Bến Lức - Long Thành với sân bay Long Thành (Đồng Nai) - vành đai 4 nhằm kéo giảm cho cao tốc Long Thành - Dầu Giây khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác. Bổ sung hướng tuyến vành đai Bắc Biên Hòa qua sông Đồng Nai đi Bình Dương để kết nối với đường Vành đai 3 TP HCM. Bổ sung vành đai 4, vành đai để kết hợp với một số tuyến đường nhằm kết nối TP HCM với Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu.
Liên thông các nước bạn
Sở GTVT TP HCM đã chính thức thông xe nhánh N1 (hướng đi từ trung tâm TP về huyện Củ Chi) thuộc dự án nút giao thông An Sương. Sau khi đưa vào sử dụng, nhánh N1 sẽ góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tăng sự lưu thông của các phương tiện hướng từ trung tâm TP về huyện Củ Chi, tạo sự thông thoáng cho cửa ngõ Tây Bắc TP. Hiện nhánh N2 cũng đang được gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành trong 2018.
Theo đề án được phê duyệt, dự án nút giao thông An Sương được chia thành hai giai đoạn. Trong đó giai đoạn một sẽ xây hai hầm chui trên đường Trường Chinh (Quốc lộ 22) thuộc địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn với vốn đầu tư gần 550 tỉ đồng. Giai đoạn 2 xây thêm 2 cầu bê-tông ở hai bên cầu vượt nút giao thông An Sương hiện hữu. Ngoài ra dự án còn mở rộng các tuyến đường xung quanh như mở rộng Quốc lộ 1 lên 120 m cho 10 làn xe lưu thông trên trục chính và hai làn xe dân sinh ở hai bên đường. Dự án còn mở rộng lộ giới Quốc lộ 22 và đường Trường Chinh... với tổng vốn đầu tư khoảng gần 1.600 tỉ đồng. Đây là dự án quan trọng của TP HCM ở cửa ngõ Tây Bắc. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối TP HCM các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và nước bạn Campuchia, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế của TP.
Thêm vào đó dự án mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý (địa bàn quận Tân Bình và Tân Phú, TP HCM). Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22 nhằm kết nối giao thông theo các hướng Đông, Tây, Tây Nam TP với các tỉnh khu vực. Cùng với các dự án metro đang xây dựng và năm tuyến đường trên cao đã được Chính phủ phê duyệt, sẽ kết nối giao thông nội đô TP và các tỉnh lân cận để tạo nên cơ sở hạ tầng giao thông rộng lớn cho TP HCM.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, cho rằng hiện nay người dân TP và các tỉnh lân cận rất quan tâm đến vấn đề kết nối giao thông vùng. Ông cũng cho rằng dự án vành đai 3 là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng nên các tỉnh phải cố gắng thực hiện càng sớm càng tốt.
Xin được lựa chọn nhà đầu tư
Để thực hiện các dự án nhanh chóng, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông trên địa bàn, UBND TP HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với các dự án do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao đối với 24 dự án. Trong đó ngoài dự án xây dựng khép kín tuyến vành đai 2, còn các dự án xây dựng đường trên cao số 1, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22, dự án đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh), dự án đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến KCN Hiệp Phước), dự án xây dựng cầu vượt bằng thép tại ngã sáu công trường Dân Chủ…
Bình luận (0)