Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá mô hình nuôi cá biển trong lồng tròn HDPE kiểu Na Uy trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) với công nghệ hiện đại bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, phù hợp nông hộ và cần được nhân rộng.
Kháng gió bão
Mô hình lồng tròn HDPE kiểu Na Uy được triển khai ở khu vực Bãi Tranh, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh). Đây là khu vực nuôi biển thuộc vịnh Vân Phong với độ sâu trên 10 m. Ông Trần Ngọc Sỹ, chủ lồng bè ở đây, cho biết gia đình đang thả 1.000 cá giò (cá bớp) bằng công nghệ lồng tròn HDPE thuộc dự án "Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy". Khác với các bè cá truyền thống làm từ gỗ, tre, có hình vuông kích thước 4x4 m, lồng HDPE có hình tròn, đường kính 10 m, thể tích lồng 500 m3. Lồng tròn dễ dàng chịu trọng tải khoảng 30 người cùng đứng lên. Lồng nuôi này hoàn toàn do Việt Nam sản xuất nên gia đình mua chỉ 180 triệu đồng, giảm hơn nửa so với lồng Na Uy nhập khẩu.
Theo đánh giá của các ngư dân, việc nuôi lồng HDPE không khác gì mấy so với nuôi lồng bằng gỗ, bằng bè. Tuy nhiên, ưu điểm lồng nuôi thông thoáng nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỉ lệ cá sống đạt từ 80% - 90%, cao hơn 10% so với lồng nuôi truyền thống. Vì vậy, sau 7 tháng thả nuôi, cá đã đạt trọng lượng xuất bán 5 kg/con. Về công chăm sóc chỉ cần 2 người là đủ. Việc thu hoạch hoàn toàn bằng tay, bằng cách kéo các dây lồng lên xuống tùy ý, rồi dùng vợt để vớt cá, không cần máy móc cầu kỳ. "Đặc biệt, từ khi chuyển sang lồng nuôi HDPE, không còn lo sợ bão đổ bộ làm thiệt hại nuôi trồng thủy sản vì chất lượng lồng rất tốt, kháng được gió bão miền Trung" - ông Sỹ nói.
Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, nói cơn bão số 12 năm 2017 tràn qua tỉnh Khánh Hòa khiến hàng trăm lồng bè truyền thống ở Khánh Hòa bị thổi bay, thiệt hại kinh tế nặng nề, hậu quả kéo dài nhiều năm. Do đó, trung tâm đã nghiên cứu, đặt vấn đề và được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ thực hiện dự án "Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy" trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để bảo đảm an toàn, hiệu quả, phòng ngừa được bão trên cấp 12, không sử dụng gỗ như bè truyền thống, góp phần bảo vệ rừng.
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu chuyển nghề nuôi biển sang công nghệ lồng HDPE kháng sóng bão, tăng hiệu quả nuôi
Mở rộng mô hình
Ông Nguyễn Xuân Hòa, một ngư dân sử dụng lồng tròn HDPE, cho biết hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá cá thu mua thấp nên các hộ dân nuôi thử nghiệm chưa thu hoạch mà đợi thời điểm gần Tết Nguyên đán, khi nhu cầu thị trường tăng cao, giá cá tăng mạnh sẽ xuất bán để lãi nhiều. Với hiệu quả lồng nuôi này cho các lứa cá đạt chất lượng, tỉ lệ sống cao, gia đình ông Hòa sẽ tiếp tục nhân rộng thêm vài lồng nữa để không chỉ mua cá mà còn phục vụ nuôi tôm hùm có giá trị kinh tế cao hơn.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa cho biết dự án "Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy" triển khai năm 2020 và kết thúc vào năm 2022, với quy mô 6 lồng nuôi. Năm 2020, trung tâm triển khai nuôi 1 lồng, đã cho thu hoạch 5 tấn cá, lãi gần 100 triệu đồng sau 10 tháng nuôi. Trong năm 2022, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 3 lồng nữa để thí điểm. Đây là cơ sở, mô hình điểm để người nuôi cá với mong muốn toàn tỉnh học tập, thay đổi phương thức nuôi cá biển từ lồng truyền thống bằng gỗ sang lồng HDPE.
Ông Huỳnh Kim Khánh cho rằng trước đây, công nghệ lồng nuôi kiểu Na Uy giá rất cao, vượt quá khả năng ngư dân nên ban đầu ngư dân ngán ngại. Tuy nhiên, giờ đây qua nghiên cứu, giá mỗi lồng nuôi HDPE giảm so với lồng nhập khẩu Na Uy dưới 50%, độ bền lồng nuôi trên 20 năm, nếu nuôi hiệu quả chỉ sau 3 năm sẽ thu hồi vốn.
"Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ lồng nuôi bằng gỗ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được chuyển sang lồng HDPE trong nuôi trồng thủy sản" - ông Khánh cho biết.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết trên thế giới, người nuôi dùng công nghệ lồng HDPE trong việc nuôi biển khá phổ biến, đặc biệt như Na Uy có diện tích nuôi biển rất lớn. "Chúng tôi đã triển khai quy trình nuôi lồng HDPE sao cho phù hợp để được nhân rộng ở các địa phương nuôi biển" - ông Thanh nói.
Mục tiêu 10 tỉ USD
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích có tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha. Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3, sản lượng đạt 1,75 triệu tấn, giá trị xuất khẩu hải sản nuôi đạt 4-6 tỉ USD. Đến năm 2045, Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững; sản lượng nuôi biển đạt 3-4 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỉ USD.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)