Việt Nam có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển nhờ có diện tích biển rộng gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Tuy nhiên, cùng với những lợi thế và tiềm năng là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt để phát triển kinh tế biển bền vững.
Tiềm năng vượt trội
Nước ta có lợi thế về giao thông đường biển, khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Với vị trí thuận tiện cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, rất thuận lợi làm cảng biển; không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển thuận lợi để phát triển các khu kinh tế.
Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Quang Tám
Vùng biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản khác nhau như: dầu khí, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Bên cạnh đó, tiềm năng tài nguyên biển rất lớn, với các dạng năng lượng biển, như: băng cháy, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, năng lượng hạt nhân nước nặng từ nước biển.
Nguồn lợi hải sản trong vùng biển nước ta có độ phong phú cao. Trữ lượng cá có thể đánh bắt hằng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Dọc ven biển có trên 37.000 ha mặt nước các loại, có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn - lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu, như: tôm, cua, rong câu...
Tiềm năng nổi bật của kinh tế biển Việt Nam là nguồn tài nguyên dầu khí, với trữ lượng ước tính khoảng 3 - 4,5 tỉ m3, chủ yếu là khí (chiếm trên 50%) và tập trung ở thềm lục địa. Trữ lượng tài nguyên dầu khí đã phát hiện vào khoảng 1,365 tỉ m3, chiếm 30-35% tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí dự báo của Việt Nam, trong đó khí thiên nhiên chiếm trên một nửa.
Đường bờ biển dài trên 3.260 km và hàng ngàn hòn đảo ven bờ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển du lịch biển. Theo thống kê, dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển đẹp, trong đó một số bãi biển và vịnh được đánh giá là những bãi biển và vịnh đẹp hàng đầu thế giới, như bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang), Eo Gió (Bình Định), vịnh Nha Trang, vịnh Lăng Cô, vịnh Hạ Long.
Nhiều thách thức
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển ở Việt Nam cũng còn nhiều thách thức. Đầu tiên là nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ; quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu các ngành nghề trong các lĩnh vực kinh tế biển chưa hợp lý, chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế.
Song song đó, các phương tiện, thiết bị nghiên cứu khoa học biển và hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu thực tế; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… ở ven biển còn nhỏ, trang thiết bị thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc khai thác các tài nguyên biển chủ yếu vẫn ở vùng ven biển, bờ biển và ở tầng nước mặt hoặc vùng nước nông; đời sống vật chất lẫn tinh thần của một bộ phận người dân vùng biển chưa bền vững. Ý thức chấp hành của một bộ phận ngư dân còn yếu dẫn tới việc khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển đảo còn diễn ra khá phổ biến.
Hơn thế nữa, kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo chưa hoàn chỉnh. Các cảng biển, các khu kinh tế, sân bay ven biển còn nhỏ bé, chưa hình thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn… Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Một số địa phương có biển chưa khai thác được lợi thế từ biển hoặc lợi ích mang lại chưa lớn, chưa thực sự bền vững.
Cho đến nay, hệ sinh thái môi trường biển bị ô nhiễm và biến đổi theo chiều hướng xấu. Qua thực tế tại các vùng phát triển kinh tế biển cho thấy ngày càng có nhiều chất thải chưa qua xử lý từ các lưu vực sông đổ ra biển; một số khu vực ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện với cường độ ngày càng nhiều hơn trên quy mô rộng.
Nói cách khác, Việt Nam tuy là một quốc gia biển, song đến nay vẫn chưa phải là quốc gia mạnh về biển.
Thay đổi để phát triển bền vững
Để phát triển kinh tế biển bền vững nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về vai trò, tầm quan trọng, tiềm năng của kinh tế biển và sự cần thiết của phát triển kinh tế biển ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức về kinh tế biển bền vững, giảm thiểu các hành vi gây hại đối với môi trường và tài nguyên biển, cũng như cách ứng xử, đối phó với thiên tai, kiểm soát tốt nguồn thải, làm sạch bãi biển, bảo tồn hệ sinh thái biển nhằm tạo ra môi trường sống phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai.
Các địa phương cần đẩy mạnh khai thác du lịch biển. Ảnh: Quang Tám
Cùng với đó, tạo sinh kế, phúc lợi cho người dân từ biển; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch sinh thái, thám hiểm - khoa học, du lịch cộng đồng, gắn với nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân trong phát triển bền vững biển Việt Nam.
Cần phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia chất lượng cao, cần ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo, đào tạo lại nghề cho người dân, bảo đảm nhu cầu lao động của các ngành kinh tế biển. Tăng cường đầu tư vào giá trị tự nhiên, bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học thông qua mở rộng diện tích và lập mới các khu vực bảo tồn biển; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế biển, tăng cường liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong phát triển kinh tế biển. Hoàn thiện thể chế về phát triển kinh tế biển, bổ sung những nội dung thiếu sót và khắc phục những bất cập trong các quy định pháp lý về quản lý tài nguyên biển và phát triển kinh tế biển. Tiếp tục làm tốt việc tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ tương xứng đối với lực lượng làm công tác quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế biển. Tăng cường trang bị phương tiện hiện đại, phục vụ cho hoạt động điều tra, khảo sát, quản lý tài nguyên và các hoạt động kinh tế biển. Phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực, chính quyền và nhân dân địa phương vùng biển, ven biển và nội địa trong phát triển kinh tế biển.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai từ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, ngập lụt, xâm nhập mặn do triều cường, nước biển dâng cho các vùng duyên hải. Đồng thời, phải tiến hành cơ cấu lại các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên. Trong đó, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch biển, đảo, năng lượng tái tạo, từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển, bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế biển truyền thống, như kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, hạ tầng nghề cá, công nghiệp đóng tàu...
Bình luận (0)