xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phát triển kinh tế song hành với văn hóa

TS TRẦN DU LỊCH (thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ)

Nếu chỉ phát triển kinh tế thôi thì mới chỉ "đi một chân", phải "đi bằng hai chân" là phát triển văn hóa song song với kinh tế thì mới bền vững. Mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 nhất quán với quan điểm này

Phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa, không để mục tiêu kinh tế lấn át hoặc làm xuống cấp văn hóa, thậm chí văn hóa phải đi cùng và được xem ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển.

Nếu nhìn ở góc độ văn hóa kinh doanh, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp (DN) thì vấn đề này liên quan đến nhiều nền tảng về pháp luật, tuân thủ pháp luật, tôn trọng người tiêu dùng, đối tác, bảo vệ người lao động...

Mỗi DN ở từng quốc gia khác nhau có loại hình kinh doanh khác nhau, từ đó văn hóa kinh doanh cũng theo nhiều mô hình. Chẳng hạn, có DN đặt nền tảng văn hóa là làm sao cho người lao động cảm thấy ở công ty như ở nhà; có DN đặt vấn đề làm sao kinh doanh để không xảy ra tranh chấp, kiện tụng nhiều; có DN đặt lợi nhuận của mình không đối chọi với lợi ích cộng đồng như không xâm hại môi trường. Một số DN khác đặt vấn đề bình đẳng giới trong DN; có DN lập ra chỉ để giải quyết việc làm cho người khuyết tật; hay có loại hình DN xã hội, hơn 50% lợi nhuận sau thuế của họ để dành cho các hoạt động, phát triển xã hội và rất nhiều mô hình khác...

Phát triển kinh tế song hành với văn hóa - Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, trao học bổng cho tân sinh viên khó khăn, học giỏiẢnh: KHẮC MẪN

Một lần, tôi tới thăm nhà máy của Tập đoàn Samsung ở Thái Nguyên, được nghe chia sẻ về chuyện ngày nào công ty cũng tổ chức sinh nhật cho công nhân, công nhân được nghỉ 1 giờ làm việc để dự tiệc sinh nhật. Và mỗi ngày, có tới mấy chục công nhân được tổ chức sinh nhật vì số lượng lao động ở đây rất đông. Nhà máy có vài nhân viên được tuyển dụng chỉ để tổ chức sinh nhật cho người lao động. Đây cũng là một kiểu văn hóa kinh doanh của DN.

Cái chung nhất trên thế giới là những DN thành công đều đặt vấn đề văn hóa kinh doanh lên hàng đầu, không xem thường so với mục tiêu lợi nhuận. Đặt văn hóa kinh doanh lên thành chiến lược kinh doanh của DN. Còn DN nào không xem trọng mà xem thường thì dễ đi vào những thái cực xung đột, thiếu bền vững.

Phát triển kinh tế song hành với văn hóa - Ảnh 2.

Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (quận 9, TP HCM) tổ chức Ngày hội Công nhân để đón mừng năm mớiẢnh: HỒNG ĐÀO

Với DN Việt Nam, có tín hiệu mừng là hiện rất nhiều DN thành công trong nước đều có triết lý kinh doanh riêng. Các DN lớn đã thành công đều đặt nền tảng văn hóa, mục tiêu văn hóa đồng hành cùng với hoạt động sản xuất - kinh doanh. Còn những DN làm ăn theo kiểu đánh quả, ăn xổi ở thì hoặc những DN bất chấp lợi ích cộng đồng, xâm hại môi trường để giảm giá thành, cạnh tranh bằng mọi giá... thì sẽ khó tồn tại.

Xét theo góc độ một quốc gia phát triển bền vững, nhất là theo mục tiêu của Liên Hiệp Quốc về tăng trưởng bền vững giai đoạn 2015-2030, đều đặt ra vai trò, trách nhiệm của nhà nước và của DN, đặt vấn đề tăng trưởng lợi nhuận của DN phải gắn với công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Tóm lại, có rất nhiều dạng văn hóa kinh doanh nhưng để thật sự có hướng phát triển bền vững thì cần chính sách của nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động xây dựng văn hóa DN. Như vừa rồi, khi xây dựng Luật Thuế thu nhập, cơ quan quản lý cũng đang từng bước quy định những DN đóng góp cho cộng đồng, giáo dục, y tế... thì được khấu trừ trước thuế, đó cũng là một cách khuyến khích về chính sách. 

Chan dung Nguyen Si Dung

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Văn hóa thúc đẩy kinh tế

Văn hóa tạo ra bản sắc, bản sắc tạo ra sự độc đáo, sự độc đáo tạo ra sức hấp dẫn, sức hấp dẫn thu hút khách hàng. Đó là cách thức văn hóa thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ngoài ra, văn hóa còn được hiểu là thành tựu đạt được trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có kinh doanh. Văn hóa kinh doanh là thành tựu, là những gì tốt đẹp mà cộng đồng các doanh nhân tích lũy được trong quá trình sản xuất, giao thương và phát triển. Nói một cách khác, văn hóa kinh doanh là hệ thống giá trị, chuẩn mực và hành vi được sáng tạo ra trong quá trình kinh doanh. Đó là triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, văn hóa DN và ứng xử kinh doanh. Văn hóa kinh doanh gắn kết cái đúng, cái tốt và cái đẹp với nhau. Đây là nền tảng để kinh tế phát triển bền vững, xã hội thịnh vượng và tốt đẹp.


Chan dung Pham Mai Hung

PGS PHẠM MAI HÙNG, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

Cần sự phát triển hài hòa

"Có thực mới vực được đạo", kinh tế phải đi trước. Thế nhưng, sự phát triển của một quốc gia lại không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng kinh tế mà còn phụ thuộc vào chất lượng cuộc sống, vào sự giàu có cả vật chất lẫn tinh thần. Do đó, văn hóa là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của mỗi quốc gia.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất và nguồn sống cho phát triển văn hóa nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách rời khỏi sự nâng đỡ của văn hóa. Phát triển văn hóa phải hài hòa với phát triển kinh tế, cũng như chúng ta cần biến văn hóa thành một nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

Kinh nghiệm thực tế của một số quốc gia phát triển thành công trong khu vực đã cho thấy các yếu tố văn hóa, trong đó có tính cộng đồng và ý thức dân tộc, được thể hiện rất cao trong quan hệ làm ăn, kinh doanh như sự ham học hỏi, cần cù, nghiêm túc, kỷ luật cao trong công việc... Đây được xem là yếu tố thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sự phát triển bền vững của các quốc gia đó.


Chan dung Giap Van Duong

TS GIÁP VĂN DƯƠNG, Chủ tịch GiapGroup:

Phải "đi hai chân" mới tiến xa

Trên bước đường phát triển của cá nhân và mỗi quốc gia, chuyện kinh tế và văn hóa cũng tương tự như chuyện bước đi bằng chân phải và chân trái của mỗi người. Chân nào bước trước chỉ là sự thuận tiện tại mỗi thời điểm. Còn trên thực tế, ta phải đi bằng cả hai chân thì mới có thể đi xa và đi tối ưu. Chứ nhảy lò cò, dù bằng chân nào đi chăng nữa thì vừa mất sức vừa không thể nào đi xa được và trước sau gì cũng ngã, nhất là khi gặp trở ngại. Khi đi bằng hai chân thì chân nọ hỗ trợ chân kia, đồng hợp nhịp nhàng thì mới là cách đúng.

Điều còn lại quan trọng cần lưu ý là văn hóa thuộc về quá khứ, trong khi kinh tế thuộc về tương lai. Văn hóa có được là nhờ di sản của quá khứ. Kinh tế phát triển được là nhờ kỳ vọng ở tương lai. Mà con người ta để sống tốt thì vừa cần cả di sản quá khứ để trân trọng, để xác lập căn tính, để định hình bản sắc, để biết mình là ai, lại vừa cần tương lai để hy vọng, để kiến tạo và đi tới. Thiếu một trong 2 yếu tố này thì đời sống sẽ lệch lạc và đánh mất sự trọn vẹn của nó và vì thế sẽ mất đi sự trọn vẹn trong việc sống và cảm nhận về ý nghĩa trong suốt hành trình sống.


Chan dung Nguyen Xuan Thuy

Nhà văn NGUYỄN XUÂN THỦY:

Bình tĩnh sống, lấp đầy khoảng trống văn hóa

Vào những ngày cuối năm 2019, tôi có xem một bản tin trên VTV nói về việc người dân Hàn Quốc ngày càng tiết giảm việc chạy đua theo công việc để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cũng là cho bản thân. Hai năm trước, WeChoice Awards - một giải thưởng thường niên do Công ty Cổ phần VCCorp tổ chức nhằm tôn vinh những con người, những sự kiện, sản phẩm, công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng và những câu chuyện truyền cảm hứng trong năm tại Việt Nam - cũng chọn chủ đề của năm rất hay mang tên "Bình tĩnh sống" để đề cử và bình chọn.

"Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì với cuộc sống và tâm hồn của mình?" là câu hỏi vừa dành cho mỗi cá thể nhưng cũng có thể dành cho một quốc gia, một đất nước, một dân tộc. Tại sao cuộc sống đủ đầy mà lắm khi chúng ta vẫn thấy hoang mang, buồn nản, trống vắng? Những khoảng trống đó không vô hình và không khó lý giải. Đó chính là những khoảng trống văn hóa. Một cội rễ văn hóa bền sâu, một nền tảng tinh thần vững vàng sẽ giúp mỗi cá nhân bước qua những sóng gió của kiếp người; giúp cho mỗi quốc gia không bị chao đảo bởi thế cuộc cũng như những tấn công ồ ạt của công nghệ, của thế giới phẳng, trước nguy cơ đồng phục hóa về văn hóa. Giúp cho chúng ta nhận diện rõ mình từ đâu đến, đang ở đâu và sẽ đi về đâu.

Bởi thế, trong phát triển kinh tế, hãy coi văn hóa như một điều kiện cuối cùng để thông qua một quyết định, nhất là với những chính sách, những dự án ở tầm quốc gia và mang tính lâu dài. Bởi tôi không muốn nhìn thấy đất nước mình đến một lúc sẽ rơi vào tình trạng mất bản sắc, mọi thứ bị xóa nhòa, pha loãng, trở nên nhạt nhòa giữa nhân gian. Tôi không muốn mọi thứ như lời hát trong một bài của giới trẻ đang đứng đầu các bảng xếp hạng: "Giờ đây anh đã có những thứ em cần rồi/ Chỉ không có em nên anh đau lòng thôi". Vì thế, một thái độ bình tĩnh trong phát triển kinh tế, chăm lo nhiều hơn đến đời sống tinh thần và các giá trị nhân văn của xã hội, để mọi người sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng nhiều hơn là điều cần thiết trong chiến lược phát triển quốc gia.

Chúng ta dễ bật cười khi nghe tin Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có hẳn một bộ mang tên Bộ Hạnh phúc nhưng hãy bình tĩnh suy ngẫm xem liệu đó có phải là chuyện buồn cười? Cũng cần biết thêm, người được bổ nhiệm bộ trưởng đầu tiên của bộ mới toanh ấy vào năm 2016 của UAE, bà Ohood Al Roumi, lại vốn là người đứng đầu về chính sách phát triển kinh tế của quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp hạng giàu thứ 6 toàn cầu này. Bình tĩnh không phải là buông thả để đất nước tụt hậu.

Bình tĩnh để tiến những bước nhẹ nhàng và tự tin của một cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Nhóm PV ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo