Biểu trưng trí tuệ Việt
Sáng cùng ngày, lãnh đạo Bộ Y tế đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy hoàn tất thủ tục cuối cùng để cho phi công người Anh xuất viện. Tham dự buổi xuất viện đặc biệt này có đại diện Tổng Lãnh sự quán Anh, UBND TP HCM, Sở Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, công ty bảo hiểm, cơ sở y tế vận chuyển và Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines - cơ quan chủ quản của bệnh nhân.
Đánh giá sức khỏe viên phi công, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Tiểu ban Điều trị - khẳng định bệnh nhân hoàn toàn khỏi Covid-19, ra viện mà không cần cách ly thêm 14 ngày như các trường hợp khác. Bộ Y tế đã gửi lời tạm biệt, trao giấy chứng nhận ra viện bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho bệnh nhân.
Bệnh nhân 91 - phi công người Anh xuất viện để về nước
"Đây là bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam và có thời gian điều trị lâu nhất. Sự thành công ca bệnh này nhờ vào sự tập trung cao độ trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, y - bác sĩ Việt Nam" - ông Khuê nhấn mạnh.
BS Trần Thanh Linh - Phó Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị cho phi công người Anh - chia sẻ quá trình điều trị giống như một chuyến bay rất dài, vốn là nghề nghiệp bấy lâu nay của phi công người Anh. Hai giai đoạn chính là từ khi nhập vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM (18-3) và sau đó được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy (22-5). Suốt quá trình ấy, các bác sĩ, nhân viên y tế luôn túc trực 24/24 giờ, nỗ lực hết sức mình để cứu chữa bệnh nhân.
Ông Lan Gibbons, Tổng Lãnh sự Anh tại TP HCM, bày tỏ rất ấn tượng với nỗ lực của cả ngành y tế, Chính phủ Việt Nam trong suốt hành trình phòng chống Covid-19 để Việt Nam không có trường hợp nào tử vong vì Covid-19 và không có bệnh nhân nào nặng hơn bệnh nhân thứ 91.
Hồi hương trên máy bay đã lái
Theo lịch trình, lúc 17 giờ 15 phút ngày 11-7, viên phi công người Anh từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Nội Bài. Chuyến bay đưa bệnh nhân đặc biệt này về Anh cất cánh lúc 23 giờ cùng ngày, tới Frankfurt (Đức) lúc 6 giờ ngày 12-7 (phục vụ một số khách quá cảnh tại đây). Sau đó, chuyến bay tiếp tục đến Heathrow (Anh) lúc 8 giờ 30 phút ngày 12-7 (theo giờ địa phương). Một bác sĩ và một điều dưỡng thuộc Phòng khám Family đi cùng bệnh nhân về Anh để theo dõi, kịp thời chăm sóc sức khỏe…
Đặc biệt, chuyến bay đưa phi công này trở về quê hương là chiếc máy bay siêu hiện đại - Boeing 787- 10 Dreamliner. Đây cũng là máy bay mà viên phi công từng cầm lái, trước khi đến bar Buddha ở quận 2, TP HCM vào ngày 14-3 và bị phát hiện nhiễm SARS-CoV-2. Lần này, viên phi công ngồi khoang hạng thương gia và có 3 ghế đồng hạng cho bác sĩ đi cùng. Phi hành đoàn gồm 6 phi công và 16 tiếp viên. Hãng hàng không bố trí 6 bình ôxy để phục vụ cho phi công này trên hành trình bay dự kiến kéo dài 15-16 giờ.
Với viên phi công người Anh, đây là hành trình hồi hương đặc biệt, xuất phát từ đất nước Việt Nam xinh đẹp - nơi sinh ra ông một lần nữa. "Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn thầy thuốc và tôi yêu Việt Nam" - viên phi công xúc động bày tỏ tình cảm lúc xuất viện.
Bình luận (0)