Phó Chủ tịch UBND TP HCM phụ trách đô thị Võ Văn Hoan khẳng định như vậy tại hội nghị "Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP HCM: hiện trạng và giải pháp", do UBND TP HCM tổ chức chiều 3-12.
Theo Quyết định số 44 của UBND TP HCM ban hành ngày 14-11-2018 về việc Ban hành Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, rác thải tại các hộ gia đình phải được chủ hộ phân làm 3 loại: rác hữu cơ (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); rác tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao-su, ni-lông, thủy tinh) và rác thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại).
Tuy nhiên, hiện nay có sự chồng chéo khi có hướng dẫn phân thành 2 loại là loại có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại gây khó khăn cho các hộ dân. Tại hội nghị, bà Võ Xuân Quyên, Giám đốc Hợp tác xã vệ sinh môi trường Tín Nghĩa, cho biết người dân bức xúc vì cái này hướng dẫn chưa xong thì lại có cái khác.
Trước vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết phân loại rác tại nguồn thực tiễn cho thấy chưa phù hợp nên sẽ điều chỉnh phù hợp.
Việc phân loại rác ở TP HCM sẽ được chia thành 2 loại, gồm loại có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. Ảnh: TẤN THẠNH
Nói rõ hơn, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan thông tin hiện TP HCM đã có 2 nhà máy đốt phát điện, sắp tới sẽ có thêm 1 nhà máy được hoàn thành. "Công nghệ chôn lấp sắp bị "chôn lấp" luôn rồi, giờ phải hướng đến công nghệ đốt phát điện. Khi ứng dụng công nghệ này thì phải thay đổi phân loại rác tại nguồn còn 2 loại là rác tái chế, phần còn lại đem đốt" – ông Võ Văn Hoan cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang làm phương án này để điều chỉnh lại. Khi nào hoàn chỉnh, UBND TP HCM sẽ công bố và có kế hoạch cho người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn thành 2 loại.
Mỗi ngày, TP HCM thải ra hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó 60% lượng rác do đường dây thu gom rác dân lập phụ trách bằng 2.160 phương tiện với 4.000 công nhân thu gom rác chủ yếu tại các hộ gia đình trong hẻm, các chung cư; 40% là hệ thống thu gom công lập, gồm Công ty Môi trường đô thị TP và 22 đơn vị là Công ty Dịch vụ công ích quận/huyện, thu gom tại các chủ nguồn thải là các hộ dân mặt tiền đường, đơn vị kinh doanh, sản xuất…
Bình luận (0)