Dự kiến sau khi hoàn thành, mỗi ngày, 3 nhà máy này sẽ xử lý khoảng 8.000 tấn rác đốt phát điện tại TP HCM.
Theo đó, ngày mai (28-8), nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của Công ty CP Vietstar sẽ khởi công tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). Dự kiến, nhà máy này hoàn thành năm 2020, vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD.
Đánh giá tính khả thi của dự án, ông Ngô Như Hùng Việt - Tổng Giám đốc Công ty Vietstar - cho biết: "Giai đoạn đầu sau khi vận hành, mỗi ngày nhà máy sẽ xử lý 2.000 tấn rác tái chế và 2.000 tấn rác đốt phát điện; đến năm 2021, công suất xử lý nâng lên 4.000 tấn rác đốt phát điện/ngày". Theo ông Việt, công ty sẽ nhập toàn bộ máy móc, thiết bị, công nghệ của Đức, toàn bộ quy trình xử lý khép kín, tự động hóa khâu phân loại rác. Trong quá trình đốt rác, các tiêu chí về khí thải, nước thải, chất thải phải bảo đảm tiêu chuẩn, không gây hại sức khỏe con người.
Sau nhà máy đốt rác phát điện của Vietstar, vào tháng 10, 2 nhà máy khác của Công ty CP Đầu tư Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Tasco với công suất đốt rác phát điện 2.000 tấn rác/ngày/nhà máy cũng khởi công tại huyện Củ Chi. Đánh giá hiệu quả các dự án, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cho rằng mỗi ngày TP tiếp nhận hơn 8.300 tấn, trong đó chỉ khoảng 30% được tái chế, làm phân hữu cơ, còn lại hơn 70% phải xử lý bằng công nghệ chôn lấp, không phù hợp với sự phát triển hiện nay của TP. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng đến công nghệ xử lý rác hiện đại, UBND TP đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, phải giảm lượng rác chôn lấp xuống còn 50%, phần còn lại phải xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Do đó, từ đầu năm 2019, toàn bộ sở, ngành, chủ đầu tư đều nỗ lực vào cuộc để đưa các nhà máy vào hoạt động sớm nhất.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về chi phí xử lý rác mà UBND TP phải trả cho những công ty này có tăng so với đơn giá cũ hay người dân có phải trả thêm tiền hay không, ông Thắng giải thích kinh phí xử lý rác phát điện dự kiến dao động 550.000 đồng/tấn rác trở xuống. Sau khi phát điện, các công ty sẽ bán cho ngành điện để tính toán giá thành. Căn cứ vào đó, TP ban hành đơn giá xử lý rác cho các nhà đầu tư.
Sở Công Thương TP sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư thủ tục hòa mạng lưới điện, chỉ tiêu hòa lưới điện đã được đưa vào quy hoạch đến năm 2020. Riêng về giá rác thu gom tại các hộ dân hiện chưa tính chi phí xử lý, vận chuyển. Sắp tới, theo lộ trình tăng giá rác mà TP ban hành, người dân sẽ chi trả mức phí cao hơn nhưng vẫn trong mức chấp nhận được, có kiểm soát.
Bình luận (0)