Sáng nay 1-7, ngay sau hội nghị tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trực tiếp đi thị sát vụ cháy rừng xảy ra tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đi cùng đoàn còn có lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Clip Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi thị sát hiện trường vụ cháy
Tại hiện trường, Phó Thủ tướng đã có những lời động viên cũng như ghi nhận công sức của các lực lượng chức năng cùng người dân tham gia khống chế và dập tắt đám cháy diễn ra vào lúc 14 giờ chiều ngày hôm qua 30-6, tại khu vực rừng sản xuất thuộc địa phận thôn Ninh Thái, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ.
Ngoài việc thăm hỏi động viên Phó Thủ tướng cũng có những chỉ đạo cho lãnh đạo địa phương trong công tác phòng, chống cháy rừng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát tại khu vực xảy ra vụ cháy rừng
"Về cơ bản đám cháy đã được khống chế, tuy nhiên không vì thế mà được lơ là bởi rất có thể đám cháy sẽ bùng phát trở lại. Đồng thời, cần phải có những biện pháp phòng chống cháy rừng tại những điểm trọng yếu nhằm tránh việc lửa bùng phát rồi lây lan tới khu dân cư và các trạm biến áp. Ngoài ra, công tác tuyên truyền vận động người dân không được đốt rác tùy tiện trong những ngày nắng nóng, bởi chỉ một phút sơ sẩy sẽ gây ra tai họa khôn lường"- Phó Thủ tướng nói.
Quan sát điểm cháy cuối cùng ở xã Trường Sơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các lực lượng chữa cháy tiếp tục dập lửa dứt điểm các điểm còn âm ỉ, không để lửa bùng lại trong ngày hôm nay và lan sang khu vực rừng có đường dây 500 kV (cách các điểm cháy khoảng 500 m - PV).
Phó Thủ tướng trao quà cho các lực lượng chức năng tham gia chữa cháy
Trong khi bàn phương án với các lực lượng chữa cháy tại hiện trường, trả lời ý kiến của phóng viên về việc sử dụng trực thăng chữa cháy rừng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã nhận được ý kiến này nhưng thấy rằng chữa cháy bằng trực thăng phải cần sử dụng liên tiếp từ 3 đến 5 chiếc dội nước liên tục ở một điểm cháy, trong khi đó tình trạng cháy rừng phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh việc huy động trực thăng là khó khăn.
Không chỉ vậy, tình hình gió phơn Tây Nam thổi mạnh trong suốt thời gian qua cũng ảnh hưởng tới khả năng tháo nước trúng điểm cháy, đặc biệt là ảnh hưởng tới an toàn bay nên Chính phủ chưa điều động trực thăng của Binh đoàn 18, Tổng Công ty Bay Bộ Quốc phòng ứng cứu.
"Với tình hình cháy ở các điểm diện rộng như vậy thì huy động các lực lượng tại chỗ và dập lửa bằng các thiết bị máy thổi, cưa xăng là hiệu quả hơn cả. Trong tháng 7 này thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt, các tỉnh không chủ quan, tính toán nhu cầu sử dụng thiết bị chữa cháy này để báo cáo Chính phủ duyệt chi đột xuất" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Cũng trong chuyến thị sát này, Phó Thủ tướng đã có những món quà nhằm động viên tinh thần tới các lực lượng chức năng đã không ngại nguy hiểm tham gia vào việc dập tắt đám cháy.
Vụ cháy rừng lớn xảy ra vào tối qua 30-6
Trước đó, vào lúc 14 giờ ngày 30-6, một đám cháy bắt nguồn từ xã Khánh Sơn và xã Nam Kim (thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), sau đó lan nhanh sang xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng ngàn người đã được huy động để dập lửa.
Các lực lượng chức năng đã tiến lên phía đỉnh núi, phát cây tạo đường băng, cô lập đám cháy. Tuy nhiên do lửa bùng phát mạnh cộng với gió Tây Nam nên đám cháy vượt ra ngoài đường băng lan ra cả ngọn núi.
Tại khu vực rừng bị cháy có khoảng 100 hộ dân sinh sống, lo sợ ngọn lửa cháy rất dữ dội, chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán tài sản 5 hộ dân, đồng thời các lực lượng chức năng cố gắng không cho lửa lan xuống khu dân cư.
Tro tàn sau vụ cháy nhìn từ xa
Đến 8 giờ sáng nay 1-7, đám cháy cơ bản đã được dập tắt, hơn 10 ha rừng sản xuất đã bị "giặc lửa" thiêu rụi hoàn toàn.
Bình luận (0)