Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh
Tiếp tục chương trình phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, sáng nay 6-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm; chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp.
Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); ban hành chỉ thị của Thủ tướng để xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (DN). "Các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng (như các vụ: AVG; "Vũ nhôm"; "Út trọc", Thép Thái Nguyên…)"- Phó Thủ tướng cho hay.
Tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm…).
Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Về phát triển DN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết cùng với quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách; tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn đối thoại với DN; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho DN.
Hiện cả nước có trên 730.000 DN đang hoạt động, trên 100.000 DN thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là DN nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.
Việt Nam cũng đã có nhiều tập đoàn, DN tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, năng lực, hiệu quả của khu vực DN tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là DN nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.
Tỉ lệ DN so với dân số bình quân còn thấp. Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/DN, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/DN.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu; thường xuyên đối thoại với cộng đồng DN, doanh nhân để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị...
"Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho DN, người dân"- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Không chấp nhận gian lận thi cử
Về khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong đó, cần đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Các kỳ thi thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2016 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và giảm chi phí của xã hội.
Tuy nhiên, thực tế triển khai đã phát sinh tiêu cực, gian lận trong thi cử tại một số địa phương, đúng như các đại biểu Quốc hội đã nêu. Trong đó, kỳ thi năm 2018 vừa qua, tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có trên 500 bài thi được nâng điểm.
Ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm, đồng thời yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại; giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Bình luận (0)