Những tấm vé trên nằm trong loạt chương trình chăm lo Tết cho công nhân do LĐLĐ TP HCM tổ chức nhiều năm qua. Chỉ riêng năm nay, có gần 20.000 tấm vé được trao và bên cạnh đó, mỗi người sẽ có thêm một giỏ quà Tết. Song song chương trình này, cả vạn tấm vé khác cũng đã được các chủ doanh nghiệp ở các quận, huyện gửi đến công nhân như một lời cảm ơn sự đồng hành, một lời chúc đoàn viên trên bước đường mưu sinh.
Những ngày này, đường phố ở TP HCM cũng thong thả, vắng vẻ hơn. Ra đường, sau một hơi thở phào vì không phải kẹt xe, tự dưng cũng có cảm giác buồn - vui man mác. Những người tha hương đến đây mưu sinh đã dần về quê. Vắng họ, đường phố cứ như thiếu thiếu một chút gì, không còn cái ồn ào, nhộn nhịp vốn có. Sáng đi làm, cạnh hiên nhà chị bán mì đã về quê Quảng Nam. Bóng cây bàng ngả trên hè trống trải. Chiều tan ca theo thói quen ghé góc đường, thấy trống trơn. Thì ra anh bán hủ tiếu gõ đã về Quảng Ngãi mấy ngày rồi mà quên mất. Hôm trước khi đi còn tặng khách miễn phí một bữa hủ tiếu, cười hềnh hệch khoe: "Sắp gặp mấy đứa nhỏ, đồ Tết sắm cho tụi nó xong rồi". Đêm đến, ngoài tiếng cải lương từ trong xóm, chờ hoài chẳng nghe tiếng chị người Bắc rao "bánh chưng, bánh giò đây". Phố xá vốn ồn ào, thoáng chốc vắng đến lạ. Nhưng có lẽ đánh đổi cái vắng vẻ của thành phố này sẽ là niềm sum họp rôm rả nơi quê nhà. Đáng vui lắm chứ!
TP HCM - đại đô thị, phát triển nhanh - nhà nhà xây cao vút, đại lộ thênh thang, người xe chen chúc, ánh điện muôn màu... nhưng thiếu một lời rao, mất một dáng người lam lũ cũng thấy vắng lặng mới lạ kỳ. Thành phố này được cấu thành từ những mảnh đời như thế. Tha hương lập nghiệp, chọn nơi đây làm quê hương và tiếp tục cưu mang những người tha hương khác. Mỗi người cùng đóng góp, có gánh hàng rong nhưng cũng có các đại gia đứng đầu các tập đoàn kinh tế lập nghiệp ở đất này. Có sinh viên cần mẫn trên giảng đường và cũng từ sinh viên xa quê trước đây, bây giờ rất nhiều người cáng đáng công việc then chốt ở các trường đại học. Có chú bé bán báo ngày xưa nay đã là ông chủ của công ty với cả ngàn công nhân, luôn nhìn lao động làm việc cho mình như người thân thích.
Bên cạnh đóng góp cho kinh tế, những người lao động tứ xứ đến TP HCM qua bao thế hệ cũng đóng góp cho TP này một nét văn hóa đặc sắc: cộng sinh, hào sảng và sẻ chia. Từ Bắc vào Nam, người nước ngoài cũng như người bản địa luôn có cùng sự cống hiến và hưởng thụ. Những ngày cận Tết dần vắng vẻ, song những bình nước miễn phí cho người đi đường luôn đầy; những thùng bánh mì cho người lỡ độ luôn nóng. Đây có lẽ là thói quen của người dân TP và như lời cảm tạ với những người đã đến TP để mỗi dịp Tết đến được sum vầy nơi quê nhà.
Bình luận (0)