Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra. Trong đó quy định cụ thể về xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra.
Dự thảo đã đưa ra quy định về phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra. Theo đó, căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản khi đối tượng thanh tra không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra nhà nước hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản.
Cụ thể, đối tượng thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán.
Theo dự thảo, trưởng đoàn thanh tra có quyền yêu cầu phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra để phục vụ cho hoạt động thanh tra. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện đầy đủ và kịp thời yêu cầu phong toả tài khoản của cơ quan thanh tra.
Dự thảo nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc, việc phong toả tài khoản phải tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra.
Về hủy quyết định phong tỏa tài khoản, dự thảo đề xuất, trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ khi đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ quyết định thu hồi tiền, tài sản hoặc những căn cứ để ra quyết định phong tỏa tài khoản không còn nữa, người có thẩm quyền ra quyết định phong tỏa tài khoản có trách nhiệm hủy quyết định phong tỏa tài khoản.
Quyết định hủy phong tỏa tài khoản phải được gửi tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản bị phong tỏa và đối tượng thanh tra.
Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát, Thanh tra Chính phủ đề xuất trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra khi có căn cứ rõ ràng về hành vi vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình và chủ động nộp lại tiền tài sản đã chiếm đoạt, sử dụng trái phép.
Việc xử lý tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật được xử lý như sau: Đối với tài sản là tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra; đối với tài sản là bất động sản thì yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước thu hồi theo thẩm quyền.
Đối với tài sản là bất động sản và giấy tờ có giá thì căn cứ vào tình hình thực tế giao cơ quan có thẩm quyền quản lý; đối với tài sản là hàng hóa có yêu cầu đặc biệt trong việc bảo quản thì giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện quản lý.
Về quy định kết luận thanh tra phải được công khai, dự thảo nêu rõ kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai.
Người ký kết luận thanh tra quyết định những nội dung trong kết luận thanh tra không được công khai và thực hiện theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra.
Bình luận (0)