Từ tháng 8-2019 đến nay, cả nước có 4 đợt ô nhiễm không khí nguy hiểm đến sức khỏe con người. Cách đây 4 ngày, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, xác nhận tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, đặc biệt là chỉ số về bụi mịn cao gấp nhiều lần so khuyến cáo của WHO. Mối nguy này rất hiện hữu chứ không còn xa vời như cách nghĩ của nhiều người. Bụi mịn PM2.5 hoặc bụi có kích cỡ nhỏ hơn làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan ô nhiễm không khí, gồm nhiễm trùng đường hô hấp, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi. Tại Việt Nam, hơn 60.000 ca tử vong do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong năm 2016 có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Các nước phát triển cũng đang đối diện với ô nhiễm không khí, có điều họ được cảnh báo sớm và kịp đưa ra hành động cụ thể. TP Paris (Pháp) đối diện với bầu không khí ô nhiễm do khí thải và đốt lò, được chính phủ Pháp sớm nhận diện và nỗ lực suốt 20 năm qua nhằm cải thiện chất lượng không khí. Năm 2004, Hội đồng Paris thông qua Kế hoạch khí hậu lần đầu tiên. Năm 2017, vùng phát thải thấp (French Low Emission Zone) đầu tiên của Pháp được thành lập. Năm 2018, hội đồng đặt ra mục tiêu mới về không khí cho Paris...
Ở nước ta, trong quá trình công nghiệp hóa bắt đầu từ vài mươi năm trước đã bỏ qua những mối nguy hiểm từ ô nhiễm không khí. Hầu hết các khu công nghiệp lớn đều đặt trong hoặc gần TP để dễ huy động nhân công, tiện vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí giao thông... Khi nhận ra vấn đề thì dường như đã rất muộn, người dân phải trả giá về ô nhiễm nguồn nước, môi trường. Đến khi được cảnh báo về chất lượng không khí thì hầu như đã không thể thay đổi được hiện trạng. Cùng với đó, lượng ôtô, xe máy tăng theo cấp số nhân đã khiến tình hình thêm trầm trọng.
Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 985a/QĐ-TTg phê duyệt "Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025". Hàng loạt mục tiêu được đưa ra như: kiểm soát khí thải của các cơ sở sản xuất thép, xi-măng, phân bón... giảm phát thải ra môi trường trong giao thông... Kết quả thực hiện quyết định này có thể đẹp ở những báo cáo từ các cơ quan chức năng nhưng thực tế năm 2020 đã gần kề và báo động về ô nhiễm không khí ngày càng nguy hiểm.
Chiếc đèn đỏ của các trạm quan trắc không biết nói dối.
Bình luận (0)