Sáng 14-11, các ứng dụng đo chất lượng không khí như AirVisual và PamAir đồng loạt đưa ra những cảnh báo đáng ngại về chất lượng không khí tại TP HCM.
Từ trung tâm ra vùng ven
Từ 6 giờ 30 phút đến hơn 12 giờ, 15 điểm đo tại TP hiển thị màu đỏ (màu nguy hại đến sức khỏe). Trong đó, chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên 150. Đơn vị đo đưa ra cảnh báo: "Đây là mức ảnh hưởng đến bệnh tim và phổi".
Điểm có chỉ số quan trắc cao nhất lên đến mức 251 tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. AirVisual khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra đường, đóng cửa sổ để hạn chế không khí bẩn bay vào.
Trong buổi sáng 14-11, các tòa nhà cao tầng "biến mất". Điển hình, ở khoảng cách 300 m không nhìn được tòa nhà 81 tầng Land Mark (quận Bình Thạnh) và tòa 68 tầng Bitexco (quận 1). Trong khi đó, tại bán đảo Thủ Thiêm (quận 2), bầu trời xám xịt.
Chị Võ Kim Thuận, ngụ tầng 11 chung cư City Gate (quận 8), cho biết 4 ngày qua, khi nhìn ra bầu trời hướng về phường An Lạc, quận Bình Tân, một màu trắng bao trùm. Ban đầu, chị nghĩ do thời tiết đang chuyển mùa nên vẫn mở cửa sổ. Tuy nhiên, sáng ngủ dậy thấy cổ họng rát, người mệt mỏi. "Khi mở cửa sổ chung cư để đón gió trời, thiết bị đo chất lượng không khí lại hiển thị màu đỏ. Lo lắng cho sức khỏe gia đình, tôi buộc phải đóng cửa cả ngày" - chị Thuận than thở.
Anh Võ Minh Tiến, tài xế xe ôm công nghệ, phải dùng 2 lớp khẩu trang vì suốt ngày di chuyển ngoài đường. Điều khiến anh bức xúc là khi bầu trời một màu trắng đục chứng tỏ không khí ô nhiễm nghiêm trọng nhưng các bảng điện tử trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1) lại hiển thị chất lượng không khí rất tốt và kết quả này đo cách đây... 2 tháng!
Điểm mặt 3 nguyên nhân
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết thời tiết TP HCM mấy ngày nay nắng nhẹ, nhiệt độ 25-32 độ C. Do ảnh hưởng của các cơn bão, thi thoảng xuất hiện mưa nên độ ẩm cao và bụi tích tụ hơi sương. ThS Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó Phòng Dự báo và Phục vụ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho rằng từ yếu tố thời tiết kết hợp không khí ô nhiễm có sẵn trong khí quyển đã tích tụ tạo ra sương lẫn bụi mà người dân hay gọi là mù khô. Ngoài ra, gió không đủ mạnh nên các hạt bụi liên kết với sương mai bay lơ lửng, không thể thoát ra.
Ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, thừa nhận hệ thống quan trắc hiện nay hạn chế, yếu kém. Muốn có kết quả phải đo bằng phương thức thủ công, tức là sẽ cử chuyên viên đến địa điểm nào đó lấy mẫu, phân tích và đo vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Kết quả đo tổ hợp nhiều yếu tố, vì vậy không thể cung cấp thông tin kịp thời.
Đơn vị đã khoanh vùng, xác định 3 nguyên nhân chính khiến không khí tại TP HCM có chiều hướng xấu. Thứ nhất, do phương tiện xe cá nhân quá lớn, trên 10 triệu chiếc và nhiều điểm giao thông thường xuyên kẹt xe nên lượng khí thải đẩy ra không khí rất lớn. Thứ hai, do các công trình xây dựng, làm đường… Cuối cùng là khí thải từ nhà máy, khu công nghiệp, không chỉ riêng TP HCM mà từ các tỉnh lân cận.
"Hệ thống quan trắc tự động đang triển khai và đến năm 2020 sẽ có các thiết bị đo tự động. Khi xác định khu vực ô nhiễm, chúng tôi sẽ khoanh vùng nguyên nhân nào chính xác hơn, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp kiểm soát" - ông Sơn hứa hẹn.
Bầu trời trên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân, TP HCM chìm trong màu trắng đục vào sáng 14-11
Kiểm soát khí thải xe máy cũ
Theo số liệu thống kê của Sở TN-MT TP HCM, chỉ số đo từ các trạm quan trắc tính từ năm 2007 đến nay có rất nhiều lần vượt mức cho phép. Trong đó, khu vực vượt ngưỡng 8-9 lần là ngã tư An Sương (quận 12), ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) và cảng Cát Lái (quận 2).
GS-TSKH Lê Huy Bá nhận định tình trạng ô nhiễm ở TP HCM đang ở mức báo động nên cần kiểm soát ngay các nguồn thải để có thể bảo đảm sức khỏe của người dân. Trong lúc các cơ quan chức năng chưa có thông tin chính thức về chất lượng không khí, những ứng dụng miễn phí là một kênh thông tin hữu ích để cảnh báo người dân tham khảo và cần thận trọng khi di chuyển ngoài đường.
"Khi còn khỏe mạnh, chúng ta chưa nhận thức được hậu quả. Đến lúc bệnh xảy ra mới thấy đáng tiếc. Nguyên nhân là do bụi mịn - những hạt bụi có kích thước siêu nhỏ - có thể len vào tận khẩu trang, đi vào đường hô hấp" - ông Lê Huy Bá cảnh báo.
Về giải pháp, ông Lê Huy Bá cho rằng trước mắt, phải kiểm soát các phương tiện giao thông để giảm bớt khí thải từ hoạt động vận tải. Trong đó, cần kiểm tra khí thải từ các xe máy cũ, quá tuổi thọ như kiểm soát khí thải ôtô.
Hà Nội: Không khí biến động thất thường
Một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT TP Hà Nội) cho biết chỉ số AQI trên toàn TP đang cải thiện và duy trì ở mức không ảnh hưởng đến sức khỏe. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều tối 13-11, trên toàn TP xuất hiện mưa và gió lớn đã tác động tích cực đến chất lượng không khí.
Thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND TP Hà Nội, Sở TN-MT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng website tiếng Anh, cung cấp thông tin về chất lượng không khí cho du khách quốc tế.
Trước đó, nhiều ngày liên tiếp, không khí ở Hà Nội luôn nằm trong ngưỡng không an toàn. Đỉnh điểm là ngày 12-11, chỉ số AQI tại nhiều khu vực ở mức cảnh báo cao nhất, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nồng độ bụi siêu mịn tăng cao thường vào nửa đêm và đầu giờ sáng.
Trong khi đó, nhiều ngày qua, sương mù xuất hiện vào buổi sáng tại nhiều nơi ở TP Cần Thơ. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Cần Thơ, cho biết địa phương không có nhiều nhà máy, phương tiện giao thông như ở TP HCM nên sương mù này không phải hiện tượng mù khô. "Do không khí lạnh tràn xuống, trời quang mây, lặng gió nên hình thành sương mù nhẹ buổi sáng. Sương mù này không đáng lo ngại" - ông Hải đánh giá.
H.Thanh - C.Linh
Bình luận (0)