Sáng nay (30-10), sau khi ra công điện khẩn với công tác phòng chống cơn bão số 5, ông Phạm Đại Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cùng ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch UBND tỉnh và các sở ngành của tỉnh này đã tổ chức thị sát công tác phòng chống bão ở thị xã Sông Cầu – nơi dự báo tâm bão số 5 sẽ đổ bổ vào tối nay.
Người dân xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đang tìm cách neo đậu tàu thuyền tránh bão
Ghi nhận của phóng viên tại 2 xã Xuân Phương và Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu) – nơi được xem là thủ phủ tôm hùm - từ tối qua đến sáng nay, người dân đã thức trắng đêm tranh thủ hạ các lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú xuống sát đáy biển để phòng bị bão đánh tan và tôm cá bị sốc nước ngọt từ nguồn về. "Cả tài sản của gia đình đổ hết xuống lồng bè tôm hùm rồi. Lỡ có chuyện gì chắc chết" – bà Phạm Thị Bảy (ngụ thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương), người nuôi hơn 4.000 con tôm hùm lo lắng.
Người dân tìm cách đưa tôm hùm vào bờ
Nhiều người dân đã vội vã thu hoạch tôm hùm để bán chạy bão. Ông Đoàn Văn Hòa (ngụ thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương) thu hoạch 400 con tôm hùm và đang cân bán cho thương lái. "Tôm chỉ mới đạt kích cỡ 0,4kg/con, còn nhỏ nhưng phải thu hoạch để bán chứ khi bão vào sợ chẳng còn con nào. Giá ngày thường 900.000đ/kg, nhưng hôm nay thương lái chỉ mua 700.000đ/kg. Biết là uổng, nhưng nếu để lại sợ mất cả chì lẫn chài" – ông Đoàn nói.
Gia đình ông Đoàn (đầu tiên bên phải) tranh thủ thu hoạch để bán tôm hùm chạy bão
Đến 10 giờ sáng nay, bầu trời thị xã Sông Cầu đen kịt. Tuy chưa có gió nhưng bắt đầu mưa nặng hạt. Mọi người dân nơi đây như chạy đua với thời gian. Khu neo đậu tàu thuyền vịnh Xuân Đài ầm ầm tiếng máy nổ của tàu thuyền đang chạy hết tốc lực về để tìm nơi tránh trú. Ông Phan Hoài (ngụ thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu), vừa neo chiếc thuyền mành tôm của mình vào, cùng những người em hì hục đẩy thúng chai lên bờ hổn hển: "Trời này chẳng ai dám ra biển để khai thác nữa. Phải tranh thủ để kịp về nhà tránh trú".
Vội vã neo thuyền tránh bão ở Vũng La, thị xã Sông Cầu
Trực tiếp thị sát công tác phòng tránh bão số 5 của người dân Sông Cầu, ông Trần Hữu Thế cho rằng người dân nơi đây đã quen đối phó với bão nên rất ý thức trong công tác phòng tránh. Hiện hơn 300 tàu cá còn đang trên biển cũng đã tìm được nơi tránh trú. Điều lo nhất của tỉnh này là hiện còn hơn 1.250 người dân vẫn đang ở trên các lồng bè nuôi hải sản trên biển để tranh thủ chằng néo lồng bè. Trong đó, riêng thị xã Sông Cầu còn hơn 1.000 người và huyện Đông Hòa còn hơn 250 người. "Chúng tôi đã yêu cầu Bộ đội biên phòng hỗ trợ tàu giúp đưa người dân vào bờ. Trước hết là vận động, nếu đến 15 giờ chiều nay vẫn còn người dân trên các lồng bè ngoài biển thì chúng tôi sẽ cưỡng chế, đưa vào bờ. Không thể để 1 ai ngoài biển, sẽ rất nguy hiểm" – ông Thế nói.
Đến 14 giờ 30 phút chiều nay, thị xã Sông Cầu bắt đầu trở gió.
Người dân tìm cách đưa đàn bò từ các cồn cỏ giữa sông Ba vượt sông về nơi tránh trú (Ảnh: N.Linh)
Trong khi đó, đến đầu giờ chiều nay, người dân các xã ven sông Ba thuộc huyện Đông Hòa, Tây Hòa và Phú Yên vẫn đang tìm cách đưa các đàn bò được chăn thả trên các cồn cỏ giữa sông Ba vượt sông tìm nơi tránh trú.
Đưa bò vượt sông tìm nơi tránh trú (Clip: N.Linh)
Hiện Phú Yên đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học.
Bình luận (0)